489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Cổ phiếu của Công ty địa ốc Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) là 20.000 đồng trong khi đối thủ cùng ngành là Công ty Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đang vươn lên ngưỡng 176.000 đồng đã khiến nhiều cổ đông băn khoăn.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2016 của HBC, tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng, giá cổ phiếu còn kém xa đối thủ là hai vấn đề được cổ đông quan tâm chất vấn nhiều nhất. Ngoài ra tính hiệu quả trong việc sử dụng dòng vốn cũng như các khoản lỗ bất ngờ của Hòa Bình cũng bị cổ đông phàn nàn và đề nghị có biện pháp khắc phục.

Báo cáo hợp nhất doanh thu năm 2015 của doanh nghiệp đạt 5.078 tỷ đồng, tăng 44,3% so với năm 2014 và đạt xấp xỉ 96% kế hoạch. Mảng xây dựng đóng góp tỷ trọng cao nhất, chiếm 99% tổng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 83,47 tỷ đồng tỷ đồng (tăng 17,7% so với năm 2014), chưa bằng một nửa so với kế hoạch đề ra (đạt 46,4%). Chính vì vậy, kế hoạch doanh thu năm 2016 đặt mục tiêu 7.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 200% so với năm 2015 cũng bị nhà đầu tư hoài nghi khó khả thi.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HBC, Lê Viết Hải thừa nhận: "Cách đây 3-5 năm, tiềm lực của Hòa Bình và Coteccons không chênh lệch đáng kể. Song hiện nay, thị giá cổ phiếu của Hòa Bình so với Coteccons đúng là đang rất thấp. Đây là một vấn đề chúng tôi trăn trở rất nhiều".

Ông Hải xác nhận HĐQT ý thức được thời gian qua đã bị đối thủ bỏ một khoảng cách khá xa về giá thị trường. Tuy nhiên, xét về uy tín, thương hiệu thì hai công ty vẫn ngang ngửa nhau.

Người đứng đầu HBC dành nhiều thời gian để giải trình về thị giá cổ phiếu và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Thứ nhất, công ty phát hành cổ phiếu sớm nhưng đó chưa phải là thời điểm thuận lợi nhất. Coteccons niêm yết sau, phát hành vào lúc thị trường tốt, nhờ đó huy động được vốn thặng dư cao ngay từ đầu.

Thứ hai, Hòa Bình vay ngân hàng nhiều để phát triển dự án, chi phí tài chính cao hơn đối thủ. Thêm nữa, thu nhập từ các khoản kinh doanh tài chính của HBC cũng thấp hơn.

Thứ ba, đầu tư dài hạn vào các dự án có độ khó và ở trình độ kỹ thuật cao, có rủi ro đội chi phí. Thứ tư, trong thời gian thị trường bất động sản khủng hoảng, công ty đã có những chia sẻ với các chủ đầu tư, khiến cho tình hình tài chính gặp khó khăn và những ảnh hưởng đó vẫn còn để lại dư âm đến năm 2015.

Hiệu quả kinh doanh năm 2015 chưa cao đến từ một số khoản lỗ. Đầu tiên là công trình Vietinbank Tower Hà Nội lỗ 125 tỷ đồng do giá dự thầu không cao, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và nhà tư vấn chưa đồng bộ. Các phương án thi công bê tông khối lớn và các vấn đề nhà thầu yêu cầu giải quyết bị kéo dài nên làm tăng chi phí.

Kế đến là công trình tại quận 7, TP HCM lỗ 28,7 tỷ do thời gian thi công kéo dài so với tiến độ ban đầu, chi phí lương có một số phát sinh chưa làm hồ sơ thanh toán được tiền.

Ngoài ra, khoản lỗ từ công ty bất động sản là do yếu tố khách quan, đặc thù của ngành địa ốc. Đó là quy định chỉ được ghi nhận doanh thu khi đã bàn giao nhà, trong khi các chi phí marketing, bán hàng, hoa hồng môi giới phải ghi nhận ngay.

Người đứng đầu HBC trần tình, giá cổ phiếu do thị trường chứng khoán quyết định. Thế nhưng các chỉ số đó cùng với hiệu quả kinh doanh chỉ phản ánh một phần rất nhỏ và chỉ là bề nổi nhìn thấy được. Những giá trị doanh nghiệp theo đuổi tuy vô hình nhưng lại rất to lớn. Đó là đầu tư cho chặng đường dài, luôn giữ chữ tín, giành được thiện cảm tốt từ đối tác và nâng cao nguồn nhân lực qua việc vươn ra thị trường thi công ở nước ngoài, nhận thầu những công trình khó... "Chúng tôi đầu tư cho tương lai tính bằng đơn vị thập niên chứ không chỉ nhìn vào ngắn hạn", ông Hải nhấn mạnh.

Năm 2016 doanh nghiệp còn hàng chục hợp đồng đã ký lên đến 15.200 tỷ đồng với các đối tác lớn: Vingroup, Novaland, SunGroup, Hoa Lâm, REE, MIK... Thêm vào đó, nhiều dự án bất động sản đến thời hạn được ghi nhận doanh thu. Đây chính là cơ sở để HĐQT tin tưởng sẽ cán đích doanh thu và lợi nhuận năm 2016.

Biện pháp khắc phục việc tồn đọng nợ khó đòi, theo Chủ tịch HBC là đánh giá năng lực tài chính của các chủ đầu tư qua nhiều kênh thông tin, trong đó đặc biệt dựa trên nguồn cung cấp thông tin của ngân hàng và chỉ tập trung vào những đối tác lớn, truyền thống, có tiềm lực tài chính ổn định. Doanh nghiệp cũng lập hẳn một quy trình thanh toán hợp lý hơn, hạn chế ứng vốn vượt mức cho phép và thông báo đến các khách hàng không thể tiếp tục ứng vốn trong thời gian tới.