Triển lãm chủ đề "Du xuân - Cổ ngoạn", khai mạc ngày 16/1, giới thiệu 150 cổ vật từ thời Lý đến đầu thế kỷ 20, do Bảo tàng TP HCM và một số nhà sưu tập tư nhân sưu tầm.
Phòng trưng bày gồm bốn nội dung chính: Bộ sưu tập ấn tín, tượng thờ dân gian, gốm Việt Nam thời Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn và pháp lam thời nhà Nguyễn.
Nổi bật trong triển lãm là bộ sưu tập khoảng 30 ấn, tín ký giá trị lịch sử cao, trong đó có một ấn là bảo vật quốc gia.
Xưa nhất là chiếc ấn Tam Giang khẩu Tuần kiểm Ty bằng đồng dưới thời nhà Trần (1225 - 1400). Ấn được đúc trong khoảng niên hiệu Đại Khánh (1314 - 1323) dưới thời vua Trần Minh Tông. Qua hơn 700 năm, ấn không còn giữ được màu đồng tự nhiên mà chuyển màu xám xỉn đen, mặt ngoài sần sùi.
Ấn được đúc theo hình thức đế vuông, dày một cm, cao 7,3 cm. Trong tên ấn, địa danh Tam Giang thời Trần nằm quanh khu vực ba con sông lớn là sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Còn Tuần kiểm Ty là chức danh chỉ người có ấn tín và quyền hạn riêng biệt theo quy chế của triều đình.
Chiếc ấn bằng kim loại thời Lê Sơ được đúc vào năm 1489, dưới niên hiệu Hồng Đức của vua Lê Thánh Tông, trị vì năm 1460 - 1497.
Một chiếc ấn khác chế tác ở năm Hồng Đức thứ 12 (1471) dưới thời vua Lê Thánh Tông.
Cạnh đó là chiếc ấn thời nhà Mạc, đúc năm 1533 dưới thời vua Mạc Thái Tông.
Bảy chiếc ấn thời Tây Sơn (1778 - 1802) cùng bản in mặt đế được trưng bày trong triển lãm.
Nổi bật trong bộ ấn thời Tây Sơn là chiếc ấn mang tên Kim nhị vệ úy quân phó sứ, đúc năm 1791 dưới thời vua Quang Trung (trị vì 1788 - 1792).
Ấn có núm hình con hổ đang nằm, đầu ngẩng lên, lưng khắc chìm chữ Hán, bên phải khắc năm chữ ghi niên đại Tân Hợi niên đông tạo, bên trái khắc 10 chữ ghi chức vụ người sử dụng.
Gần một nửa số ấn tín trưng bày có từ thời Nguyễn (1802 - 1945) với nhiều loại làm bằng kim loại, ngà. Nhiều ấn là của các quan lại thay mặt triều đình nhà Nguyễn cai quản, xác lập trật tự, kỷ cương, mở rộng khai phá và phát triển vùng đất Nam Bộ, nhất là ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định.
Hiện vật mang tên Lương Tài Hầu chi Ấn được đúc vào năm vua Minh Mạng thứ 14 (1833), bằng đồng, cao 7,35 cm, đế rộng bảy cm. Đây là Ấn của Tiền quân Đô Thống phủ Chưởng phủ sự Trần Văn Năng.
Ông từng giữ chức Phó Tổng trấn thành Gia Định, vị tướng có công khai phá và bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Ông có nhiều đóng góp to lớn trong việc mộ dân và đôn đốc đào kinh Vĩnh Tế tại vùng biên giới tỉnh An Giang. Đồng thời, ông cùng các vị tướng của Triều Nguyễn từng hai lần đánh đuổi quân Xiêm xâm lược, trong đó trận thủy chiến ở Vàm Nao, sông Tiền (1834), để lại dấu ấn trong lịch sử đấu tranh bảo vệ lãnh thổ của đất nước.
Lương Tài Hầu chi Ấn là hiện vật quý hiếm, độc bản. Đây là ấn "Hầu tước" đầu tiên được ban cấp cho công thần, tướng lĩnh cao cấp, không phải dòng dõi hoàng tộc. Ấn được xem là mẫu, về sau khi có phong tước ban cấp ấn cho các công thần thì dùng ấn này làm chuẩn. Năm 2020, ấn được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Ba chiếc ấn của quan hộ tịch thời Nguyễn đúc vào cuối thế kỷ 19.
Hai chiếc tín ký làm bằng ngà của quan triều Nguyễn, đúc hinh tượng con kỳ lân. Loại tín ký này để các quan lại dùng chứng nhận cho một số văn bản tại địa phương.
Nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Thiện Tộ cho biết mang tới triển lãm 14 cổ vật đều là đồ gốm thời Lý, Trần, Lê. "Các hiện vật trưng bày đều có niên đại lâu đời, phong phú về loại hình. Thưởng ngoại chúng, mọi người có thể hiểu thêm về nét văn hóa dân tộc", ông Tộ nói.
Trong 150 cổ vật triển lãm, hơn một nửa là các hiện vật của nhà sưu tập tư nhân. Chủ yếu là các đồ gốm trong sinh hoạt, tượng thờ dân gian, pháp lam thời Nguyễn, kiếm, hộp đựng.
Quỳnh Trần