Báo cáo của KPMG viết: “Nếu các thế hệ trước ghé thăm các trung tâm thương mại hoặc cửa hàng bách hóa để mua đồ dùng cơ bản hoặc thử nghiệm xu hướng mới, Gen Z lại tìm kiếm các xu hướng trên mạng, theo dõi thần tượng, người có ảnh hưởng và khao khát được mặc giống họ”.
Quyết định mua sắm của Gen Z ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội và KOLs. Ảnh: Neoreach
KPMG khảo sát 7.000 người tiêu dùng tại 14 thị trường, bao gồm Trung Quốc, Singapore, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Gần một nửa người tham gia khảo sát tại mỗi thị trường là Gen Z, từ 18 đến 24 tuổi.
Theo đó, Gen Z xếp thương mại xã hội (63%) và thương mại livestream (57%) quan trọng đối với trải nghiệm mua sắm của mình. Thương mại xã hội là hình thức công nghệ bán lẻ phổ biến nhất với Gen Z, đặc biệt tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Gen Z được biết đến là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng với Internet và thiết bị điện tử đóng vai trò như một phần trong cuộc sống thường nhật.
Irwan Djaja, người đứng đầu bộ phận cố vấn KPMG Indonesia, nhận xét, sự kết hợp của mạng xã hội và thương mại điện tử giúp thu hút Gen Z theo một cách phù hợp với đặc tính của họ. Kết quả là các thương hiệu đang đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng, nhấn mạnh các nền tảng thương mại xã hội để phục vụ đối tượng khách hàng này. Họ đặc biệt tập trung vào TikTok, Instagram – nơi những đề xuất của KOLs đóng vai trò rất lớn.
Eric Pong, đồng sáng lập công ty dịch vụ phần mềm trải nghiệm thương mại điện tử AfterShip, gọi TikTok là “gã khổng lồ”. Trong khi đó, các chuyên gia của KPMG chỉ ra, hoạt động kinh doanh mạnh mẽ của TikTok đưa doanh nghiệp tìm đến quảng cáo trên TikTok, sử dụng KOLs và quảng cáo để dẫn người xem quay lại website của mình.
(Theo CNBC)
Nguồn: Vietnamnet.vn