Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.
PHÁT TRIỂN AI ĐÃ KHÓ, ỨNG DỤNG AI VÀO Y TẾ CÒN KHÓ HƠN
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng được các doanh nghiệp Việt ở mọi lĩnh vực khác nhau tiếp cận và ứng dụng vào thực tiễn. Tại phiên thảo luận mang chủ đề “Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia khởi nghiệp trong lĩnh vực AI và bán dẫn” chiều 1/10, ông Phạm Thành Lâm, Giám đốc Trung tâm AI & Data Science Ngân hàng số Cake by VPBank, đã chia sẻ về hành trình và cách tiếp cận AI tại Cake. Theo đó, ông Lâm cho biết “trí tuệ nhân tạo đã luôn là trọng tâm trong hành trình phát triển của Cake ngay từ những ngày đầu”.
“Chúng tôi chú trọng tích hợp tất cả các sản phẩm AI vào trải nghiệm khách hàng, từ tiếp thị, hỗ trợ khách hàng, đánh giá tín dụng cho đến quản lý kinh doanh, với mục tiêu tối ưu hóa mọi quy trình từ đầu đến cuối”, ông Phạm Thành Lâm nói.
Theo chia sẻ, CAKE có khoảng 300 nhân viên, trong đó 50% là chuyên gia về công nghệ AI và tất cả đều là người Việt Nam.
Trong khi đó, cũng là một doanh nghiệp ứng dụng AI vào thực tiễn, nhưng là trong lĩnh vực y tế, ông Trương Quốc Hùng, nhà sáng lập và Tổng Giám đốc, VinBrain, cho rằng: “Phát triển AI đã là một thử thách lớn, nhưng khi áp dụng vào lĩnh vực y tế, độ khó lại càng tăng lên đáng kể”.
VinBrain là công ty công nghệ tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho Y Tế. Ông Hùng cho biết VinBrain đã thành công trong việc đưa mô hình AI vào ứng dụng thực tế, một bước đột phá lớn trong công nghệ AI. Cách đây hai năm, VinBrain đã nhận được sự công nhận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) – đây là lần đầu tiên một công ty tại Đông Nam Á đạt được điều này.
Tuy vậy, lãnh đạo VinBrain cho biết ứng dụng AI vào y tế có rất nhiều thách thức đặc thù. Theo đó, một trong những trở ngại lớn nhất nằm ở khâu dữ liệu. Môi trường y tế thường rất phân tán, với các hồ sơ bệnh án, hình ảnh y tế, dữ liệu xét nghiệm được lưu trữ ở nhiều nơi khác nhau. Sự rời rạc này gây khó khăn cho việc tập trung và xử lý dữ liệu một cách thống nhất, trở thành rào cản lớn nhất trong quá trình xây dựng các sản phẩm AI chất lượng cao.
Thậm chí khi đã thu thập được một lượng lớn dữ liệu, vấn đề về chất lượng dữ liệu lại tiếp tục đặt ra những thách thức tiếp theo. Dữ liệu không sạch, không đồng nhất sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả của các mô hình AI. Bên cạnh đó, các quy định về bảo mật dữ liệu y tế cũng là một rào cản lớn, đòi hỏi các giải pháp AI phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo mật.
Một lý do khác khiến việc triển khai AI vào lĩnh vực y tế gặp khó khăn là câu chuyện tuân thủ quy định. Trong ngành y tế, có nhiều yêu cầu về giấy phép và đăng ký, đây là thách thức thứ hai mà các công ty công nghệ cần phải đối mặt. Các quy định này không chỉ đảm bảo an toàn và hiệu quả của các sản phẩm y tế mà còn bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân.
Thời gian cần thiết để xác thực và tích hợp AI vào hệ thống bệnh viện cũng là thách thức, bởi vì để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, việc tích hợp phải được thực hiện một cách cẩn trọng, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, chi phí phát triển AI cho y tế cũng rất cao do cần sự tham gia của các chuyên gia y tế và công nghệ thông tin. Cuối cùng, vấn đề đạo đức và bảo mật dữ liệu là một thách thức không thể bỏ qua khi ứng dụng AI trong lĩnh vực nhạy cảm như y tế.
ĐỂ VIỆT NAM TRỞ THÀNH TRUNG TÂM ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VỀ KHỞI NGHIỆP VÀ AI
Theo ông Hùng, để giải quyết những thách thức trên, cần tập trung xây dựng dữ liệu chuẩn hóa. Ngoài ra, cần áp dụng mô hình chi phí phù hợp với từng thị trường. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn.
“Chúng tôi đã đầu tư vào việc này ngay từ ngày đầu tiên, và hai năm trước chúng tôi đã nhận được chứng nhận đầu tiên của FDA. Hiện tại, chúng tôi đang trên con đường nhận thêm các chứng nhận FDA trong năm nay và sẽ tiếp tục điều này trong tương lai”, ông Trương Quốc Hùng nói.
Các chuyên gia đã chia sẻ những quan điểm và giải pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam giải quyết những thách thức khi ứng dụng AI
Ông Alexey Navolokin, Giám đốc Kinh doanh Thương mại khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản tại Tập đoàn AMD, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong kinh doanh với dự đoán doanh thu 400 tỷ đô la vào năm 2027. Ông cho rằng rằng đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam, với nền tảng đào tạo tốt và hiểu biết về các vấn đề kỹ thuật, sẽ là tài sản quý giá trong việc phát triển công nghệ mới.
Theo ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, với lực lượng lao động trẻ, năng động và có khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, Việt Nam đang trở thành một địa điểm lý tưởng để phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi đã tạo ra một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên AI, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, ông Christopher Nguyễn, Chủ tịch & Giám đốc, Aitomatic, công ty về dữ liệu lớn tại Thung lũng Silicon, đã nhấn mạnh rằng mỗi nơi đều có những điểm mạnh độc đáo riêng và không nên cố gắng sao chép mô hình thành công của Silicon Valley. Ông Christopher Nguyễn đã từng cố gắng mang Silicon Valley về Hồng Kông và Malaysia, nhưng những nỗ lực đó không thành công như mong đợi.
“Tôi tin rằng mỗi nơi đều có điều gì đó đặc biệt để khai thác. Thay vì cố gắng trở thành một phiên bản khác của Silicon Valley hay Harvard, Việt Nam nên tập trung vào việc phát triển những mô hình sáng tạo và riêng biệt của mình”, ông Christopher Nguyễn nói và chia sẻ điều đó được xuất phát từ câu chuyện khởi nghiệp của chính ông - một hành trình khám phá và phát huy những tiềm năng độc đáo của từng khu vực.
Ông kêu gọi Việt Nam cần kết nối hệ sinh thái công nghệ hơn nữa. Đặc biệt, theo ông, để phát triển quốc gia AI, Việt Nam cần phát triển thị trường và tạo ra sự kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng để thúc đẩy đổi mới và thành công trong các ứng dụng công nghệ cao.
Trong khi đó, đề xuất rằng Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực mạnh mẽ để thu hút các công ty công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng, ông Alexey Navolokin của AMD cho biết Việt Nam hiện được xem là như “ngôi sao đang lên” trong lĩnh vực công nghệ, và ông tin rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy đổi mới và thu hút đầu tư thông qua các chính sách khuyến khích và đơn giản hóa thủ tục đầu tư.
Bảo Bình
Nguồn: Vneconomy.vn