Cuộc trò chuyện giữa tác giả Roman Tiulyakov với nhà văn Nga nổi tiếng Evgeny Vodolazkin về thời điểm ký ức trở thành trải nghiệm, tại sao trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không thể thay thế được văn bản của tác giả, cách tiếp cận du lịch đang thay đổi và cái nhìn về người viết trẻ.
Đi bảo tàng không với viết và sổ tay
Ký ức và thời gian là điều mà mọi tiểu thuyết của ông xoay quanh. Ông có thể giải thích lý do tại sao?
Ký ức là thứ duy nhất chúng ta còn lại. Bởi vì người ta tin rằng hiện tại kéo dài chỉ 0,08 giây, nếu tôi không nhầm. Thứ hiện tại mà người ta kịp nhận ra. Và rồi nó biến mất, trở thành quá khứ. Không có tương lai, bởi tương lai là tưởng tượng của con người. Cuối cùng, tương lai đến dưới dạng hiện tại và không như người ta hình dung. Vì vậy, chỉ có quá khứ. Và cuộc sống quan trọng không chỉ ở những mảnh riêng lẻ của nó, mà còn là một tập hợp các sự kiện, như một kiểu liên tục. Xem cuộc sống như một tổng thể cung ứng cho ký ức. Đó là lý do tại sao đây là một chủ đề quan trọng đối với tôi.
Theo thời gian ký ức bị mất dần, suy yếu hoặc vĩnh viễn rời đi. Mắc bệnh Alzheimer, người ta trở nên bất lực. Ông đã nói trong một cuộc phỏng vấn về việc thấu hiểu căn bệnh này, rằng nó được trao cho con người để họ hiểu ra điều gì đó. Mất trí nhớ như một căn bệnh - người ta nên hay có thể hiểu gì ở đây?
Bạn biết đấy, mất trí nhớ tất nhiên là một tai họa lớn, nhưng không phải là tuyệt đối ngay cả trong những biểu hiện tồi tệ nhất của nó. Lev Tolstoy lúc nào đó đã viết trong "Lời thú tội" rằng một người rời đi sang một thế giới khác không đánh mất những sự kiện mà anh ta đã trải qua trong đời và những sự kiện ấy ra đi cùng anh ta. Chúng rời đi không phải dưới dạng những câu chuyện cụ thể, mà dưới dạng một ý tưởng chung về thiện và ác. Tôi muốn nói rằng đây là sự thông tuệ không bị đè nặng bởi kiến thức. Đây thậm chí không phải là một trải nghiệm, mà là một chiết xuất từ kinh nghiệm, khi các sự kiện đã không thể phân biệt được, chúng đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và thật khó để hiểu sự kiện cụ thể nào được đề cập, vì mỗi sự kiện đã xảy ra nhiều lần.
Sự lặp lại nhất định mọi thứ trên thế giới, cả trong đời sống cá nhân và đời sống xã hội, cũng không bao hàm một ký ức chính xác về các sự kiện, mà nó bao hàm một kết luận, một sự hiểu biết về kiểu. Kiểu người, kiểu lịch sử. Kinh nghiệm là gì? Kinh nghiệm không chỉ là trải nghiệm, không phải là một loạt ảnh chúng ta có trên điện thoại. Đây là những sự kiện được nhận thức. Kinh nghiệm quan trọng hơn nhiều so với ký ức về một sự kiện cụ thể, bởi vì một người có thể có hàng trăm nghìn bức ảnh, nhưng chúng không mang tới bất cứ điều gì, không bổ sung bất cứ điều gì, không dạy bất cứ điều gì.
Kinh nghiệm là khi bạn đã trải qua 15 lần gặp gỡ một kiểu người nào đó, và đến lần thứ 15, bạn hiểu rằng tốt hơn hết là không nên qua lại với người như vậy. Kinh nghiệm có thể không hình thành được: một người có thể nhìn thấy nhiều thứ nhưng lại bỏ qua tất cả, để chúng xuyên qua chính mình như qua một cái sàng, không mang lại bất cứ điều gì. Nhưng ai đó chỉ cần đến lần thứ ba, học từ sai lầm trong một tình huống nào đó, sẽ cố gắng tránh nó về sau.
Theo ông, điều gì quan trọng hơn trong bối cảnh đời sống con người - ký ức cảm xúc hay ký ức thực tế?
Cả hai đều quan trọng. Chúng không thể tách rời. Ký ức có thể không đi sâu vào chi tiết, nó có thể tồn tại như một trải nghiệm, được hình thành từ thực tế và cảm xúc. Đây là hành trang chính của chúng ta, có khả năng thay thế phần lớn những gì đến với ta từ bên ngoài.
Tôi luôn thích đi du lịch, khi còn trẻ lẫn bây giờ. Nhưng thái độ của tôi với những chuyến đi này giờ đây đã khác. Tôi phải thú nhận với bạn diễn tiến lạ đời này. Tôi thấy mình ngày càng ít thích đến viện bảo tàng. Để tôi thật sự thích, bảo tàng phải bằng cách nào đó rất thú vị... Cứ cho là tôi đã đi du lịch khoảng 50 thành phố của Đức hoặc Ý, ít nhiều giống nhau. Những nơi đó ngày nay không khơi dậy sự tò mò trong tôi như trước đây, khi tôi có thể đi loanh quanh với một cuốn sổ và viết ra mọi thứ mà người hướng dẫn nói. Bây giờ tôi không có cuốn sổ nào nữa. Nếu lắng nghe người hướng dẫn, tôi sẽ so sánh câu chuyện của anh ấy với những hình dung của tôi. Đôi khi, tôi thấy thú vị hơn khi để mặc cho trí tưởng tượng hoặc kinh nghiệm, hiểu biết của tôi bay bổng về một số điều nhất định hơn là tuân theo logic của hướng dẫn viên.
Tất nhiên, đây hoàn toàn không phải là hình mẫu mà là logic của sự phát triển con người. Khi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, sẽ thú vị hơn khi bạn chỉ cần đi dạo trên phố, ngắm nhìn những tàn tích cao quý và kết nối với kiến thức, kinh nghiệm của bạn, tưởng tượng những người trong quá khứ còn sống, đi dọc những con phố này, giải quyết các vấn đề. Có thể nói, trí tưởng tượng của nhà văn là một phẩm chất chuyên nghiệp. Và trong trường hợp này, nói chung đối với tôi, tòa tháp cao bao nhiêu hoặc hình thức chính phủ này tồn tại bao nhiêu năm không thành vấn đề. Tôi hình dung ra những người cai trị ở đó, còn mọi thứ khác chỉ là một số chi tiết mà tôi không thực sự cần.
Thư viện cổ ở Trinity College (Dublin, Ireland). Ảnh: Giammarco Boscaro / Unsplash
Văn bản là một mức độ tư duy khác
Có ý kiến cho rằng sách sẽ chết, biến thành một loại mặt hàng xa xỉ nào đó. Như đã xảy ra vào thời Trung cổ. Bởi sách hiện nay có đối thủ mạnh trong việc truyền tải thông tin và ý nghĩa. Và, coi cuốn sách chủ yếu là thông tin, một người bình thường sẽ nghĩ: tại sao anh ta phải đọc một cuốn tiểu thuyết dày khi anh ta có thể nhanh chóng vừa đi vừa chộp lấy thứ gì đó? Mà không thể đọc sách như vậy. Ông có cảm nhận về thảm họa sắp xảy ra này không, hay ông hình dung thế giới này theo một cách khác?
Tôi nghĩ rằng một văn bản được ghi lại, theo thuật ngữ hiện đại, trên phương tiện này hay phương tiện khác, sẽ không bao giờ biến mất. Bởi vì văn viết và văn nói là những thứ khác nhau. Tất nhiên, rất nhiều điều đã đến với chúng ta qua truyền thống truyền khẩu, nhưng chữ viết là một thứ vô cùng tiện lợi và nó mang đến những cơ hội hoàn toàn khác nhau cho cả người viết và người đọc.
Chẳng hạn, Internet xuất hiện, và trên đó, việc vô số hình ảnh cùng với nhiều thứ khác đã đưa người đọc rời xa nhà văn. Nhưng Umberto Eco đã viết một bài báo rất hay có tên "Từ Internet đến Guttenberg". Cao trào của nó là thế này: vâng, Internet ra đời và mọi người đều nghĩ rằng văn hóa, văn minh sẽ đi theo con đường hình ảnh hóa mọi thứ. Nhưng cuối cùng màn hình máy tính đã mang lại cho chúng ta điều gì? Văn bản.
Văn hóa sẽ xóa bỏ một số hình thức cũ nào đó, như nó đã luôn hủy bỏ chúng. Ngày nay chúng ta không viết trên da bê rám nắng. Nhưng chính ý tưởng về một văn bản - cố định, được viết ra - đã được bảo tồn. Và tôi nghĩ văn bản sẽ vẫn còn. Tất nhiên, Shakespeare hay Cervantes nhìn nhận sách của họ hơi khác một chút, nhưng việc giờ đây tôi đọc Hamlet từ máy tính bảng về cơ bản không thay đổi bất cứ điều gì. Theo tôi, phương tiện sẽ thay đổi, nhưng văn bản viết sẽ luôn thú vị. Bởi vì một bức tranh có thể diễn đạt ít hơn nhiều, nó cung cấp ít thức ăn hơn cho tâm trí. Văn bản là một mức độ tư duy khác. Văn viết là một hiện tượng đặc biệt, một trường hợp khác thường không thể thay thế bằng bất cứ điều gì khác. Những gì biến mất là những gì không còn cần thiết nữa và là những gì có thể thay thế được bằng một thứ khác. Còn hiện giờ tôi chưa thấy nội dung nào có thể thay thế văn viết.
Có thể thay thế tác giả của văn bản? Ngày nay có những quá trình đang diễn ra khiến người sợ, người thích nhưng tất cả đều nhắc đến: AI đã xuất hiện, có khả năng viết những gì đó và tập hợp chúng thành văn bản.
Bạn biết đấy, Alla Pugacheva có bài hát này: "Anh có thể làm mọi thứ, làm mọi thứ! Nhưng điều này, điều này, điều này - anh không thể!" AI thậm chí có thể được điều chỉnh để phù hợp với tính sáng tạo - để tạo ra không chỉ các sản phẩm hoặc tác phẩm chuẩn mực mà còn tạo ra các hình thức mới. Nhưng xin lưu ý, những hình thức mới trong lịch sử văn hóa được tạo ra khi khó có thể gắn những ý nghĩa mới vào những hình thức cũ. Có nghĩa, trật tự ở đây là thế này: xuất hiện những ý nghĩa mới hoặc cảm xúc mới, và những hình thức mới được tạo ra cho chúng.
Trong trường hợp của AI, trật tự bị đảo ngược: các hình thức mới được tạo ra theo chương trình AI nhưng đằng sau chúng không có gì mới, không có nấc tiến mới nào trong cuộc trò chuyện giữa con người với các tầng trời. Và tôi không nghĩ có thể điều chỉnh máy móc theo làn sóng này. Đó là một bí ẩn - sự trao đổi năng lượng với những lĩnh vực cao hơn. Nếu muốn thì đó là cuộc trò chuyện với Thượng đế, và câu hỏi lớn là liệu Thượng đế có muốn nói chuyện với cái máy hay không.
Ông bắt đầu viết ở tuổi bốn mươi. Tại sao ở tuổi bốn mươi? Ông muốn bày tỏ điều gì, muốn nói hoặc làm sáng tỏ chủ đề nào?
Umberto Eco, người bắt đầu viết rất muộn (khoảng 50 tuổi), đã trả lời rất hài hước cho câu hỏi tại sao ông bắt đầu viết. Ông nói rằng ở tuổi 50, khi người đàn ông bị một cuộc khủng hoảng nào đó ập đến - thường thì ông ta cùng tình nhân trẻ của mình chạy trốn đến Bahamas. Nhưng vì không có cơ hội như vậy (và dường như cũng không có ham muốn), ông ấy bắt đầu viết.
Không có gì như thế xảy ra với tôi cả. Nói một cách nghiêm túc, ở độ tuổi này, tôi đã trải qua một giai đoạn quan trọng của cuộc đời gắn liền với một kiểu nhận thức lý tính về thế giới, cụ thể là với khoa học. Tôi đã nghiên cứu nghiêm túc, đặc biệt là văn học cổ Nga. Đó là những nghiên cứu văn bản liên quan đến việc thiết lập phả hệ của văn bản và mối quan hệ của chúng. Và đây là một hoạt động thú vị theo cách riêng của nó. Nhưng ở đây chỉ có lý trí tham gia, và tôi muốn - vì con người được hợp thành không chỉ từ lý trí mà còn cả cảm xúc - cố gắng khám phá thế giới ở một phạm vi rộng lớn hơn: từ lý trí đến cảm xúc. Chính văn học đã kết nối hai lĩnh vực này của đời sống.
Tôi muốn tìm ra điều này cho riêng mình, nhưng tất nhiên, tôi không có ý tưởng viết chỉ cho riêng mình. Nếu đã viết, bạn cần xuất bản. Đương nhiên là trong trường hợp khó chịu nhất, tôi có thể viết mà không cần xuất bản.
Ở tuổi 25, người ta hầu như chỉ viết để xuất bản. Để giải quyết vấn đề của họ. Khẳng định bản thân là một vấn đề rất quan trọng và tôi thấu hiểu quan điểm này… khi người ta còn trẻ. Sau bốn mươi, nó biến mất - không hoàn toàn, nhưng đã vào vị trí phụ. Việc tự khẳng định quan trọng ở bất kỳ giai đoạn nào, nhưng không còn là điều quan trọng nhất. Đôi khi đọc văn bản của các tác giả mới vào nghề với tư cách là thành viên ban giám khảo của nhiều giải thưởng khác nhau, tôi thấy họ thường viết rất căng thẳng. Theo nghĩa họ sợ bị coi là không đủ thông minh hoặc không đủ học thức. Không có sự điềm nhiên trong văn bản của họ. Khi vấn đề tự nhận thức của một người đã được giải quyết, anh ta sẽ viết những văn bản sâu sắc hơn. Tay anh ấy không còn run nữa và anh ấy bình tĩnh trò chuyện với bản ngã thay thế của mình.
Phan Xuân Loan