Cùng với việc xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, việc xây dựng trường học thông minh cũng là một nhiệm vụ trọng tâm được ngành GD-ĐT TP đẩy mạnh trong năm học này. Ngoài các đơn vị thí điểm, nhiều trường học không thuộc đề án cũng đã chủ động thực hiện...
HS Trường THPT Nguyễn Du thi trắc nghiệm trên máy tính
HS dùng smartphone tìm kiếm thông tin
Trong Đề án xây dựng mô hình trường học thông minh (THTM) được Sở GD-ĐT TP triển khai trong giai đoạn 2018-2020, có 5 trường THPT được chọn làm đơn vị thí điểm, gồm 2 trường chuyên là Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và 3 trường tiên tiến hội nhập là Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền.
Tại Trường THPT Nguyễn Du, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, ngoài cơ sở hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, trong năm học vừa qua trường đã áp dụng hình thức thi trực tuyến, hướng nghiệp trực tuyến với mong muốn ứng dụng tối đa CNTT trong giảng dạy. Toàn bộ giáo viên đều được trang bị tin học văn phòng quốc tế, tiếp cận tiếng Anh từ giáo viên nước ngoài. Phủ sóng 3G trong toàn trường, trong các tiết học HS được sử dụng smartphone để tìm kiếm thông tin, kết nối với giáo viên.
“Muốn triển khai thành công THTM, đầu tiên phải có cơ sở vật chất “đẹp”, cơ sở vật chất đủ “thông minh” để không chỉ giới hạn trong trường học. Cùng với đó, cần phải nhất quán các phần mềm trong quản lý trường học để không có sự chồng chéo, chú trọng cập nhật thường xuyên các nguồn dữ liệu. Yếu tố con người trong THTM cũng phải được nâng chuẩn từ cán bộ quản lý đến đội ngũ giáo viên”, thầy Phú khẳng định.
Cũng là đơn vị thực hiện thí điểm THTM, xuyên suốt năm học vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho giáo viên, HS giảng dạy và học tập trên nền tảng ứng dụng CNTT. Trong đó, thư viện thông minh - thư viện điện tử là giải pháp được nhà trường đưa vào vận hành trong năm học 2019-2020 này, nhằm “mở” ra môi trường thuận lợi trong cả không gian, thời gian để HS tiếp cận với kiến thức một cách linh hoạt. Thư viện sẽ liên tục cập nhật những kiến thức, phương pháp giảng dạy tiên tiến cho phép HS khai thác các nguồn tài nguyên kiến thức được dễ dàng.
HS Trường THPT Tây Thạnh điểm danh bằng vân tay
Giai đoạn 2 của Đề án xây dựng THTM sẽ được triển khai tại các đơn vị là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, các trường học tại Q.12, Q.1 từ năm học 2019-2020. Chia sẻ về kế hoạch xây dựng trong năm học này tại đơn vị mình, thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - cho biết, năm nay nhà trường sẽ triển khai quản lý điểm hàng tháng của HS thông qua tin nhắn đến phụ huynh. Đồng thời linh hoạt trong việc soạn thảo giáo án của giáo viên. Với chủ trương thu học phí không bằng tiền mặt, hiện tại nhà trường chỉ có khoảng 60% phụ huynh dùng hình thức đóng học phí thông qua app đóng tiền và đóng ở các cửa hàng tiện lợi, còn lại 40% phụ huynh vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch.
Tại Q.1, Trường THCS Nguyễn Du năm học này cũng đã thí điểm máy điểm danh giáo viên bằng vân tay và camera. Đồng thời, đưa bộ môn tự động hóa trên nền tảng Adruino - lập trình tự động hóa vào thí điểm cho HS khối lớp 7.
Điểm danh bằng vân tay và nhận diện khuôn mặt
Dù không thuộc diện “thí điểm” trong Đề án xây dựng THMT nhưng nhiều đơn vị trường học cũng đã mạnh dạn ứng dụng CNTT vào trong quản lý và giảng dạy. Đơn cử như Trường THPT Tây Thạnh, năm học này đưa vào sử dụng 5 máy điểm danh HS bằng vân tay; một phòng học bộ môn với trang thiết bị hiện đại gồm 2 ti vi màn hình 65 inch, 8 bàn học lục giác, phòng học kết nối internet phù hợp cho việc thiết kế các tiết học theo định hướng GD STEM, các tiết dạy học sáng tạo. Đồng thời, nhà trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền phụ huynh không đóng học phí bằng tiền mặt.
Thích thú với hình thức điểm danh mới, HS Trịnh Anh Khoa (lớp 12A7, Trường THPT Tây Thạnh) nói có cảm giác trường học hiện đại hơn, học tập vì thế cũng thú vị hơn. “Trong một số bộ môn KHTN, các thầy cô đã ứng dụng CNTT vào giảng dạy: Thầy cô giao bài tập, tài liệu tham khảo trên những group bộ môn, cho phép HS giải bài tập online, chỉnh sửa bài online. Những ứng dụng này giúp môn học trở nên nhẹ nhàng, bản thân người học cũng thấy không quá áp lực”, Anh Khoa bày tỏ.
Năm học này cũng là năm đầu tiên Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) đưa vào sử dụng 5 lớp học thông minh cho khối lớp 6. Trong lớp học thông minh, bảng đen được thay bằng ti vi tương tác, HS được trang bị máy tính bảng để phục vụ việc học tập trong môi trường trực tuyến. Các bộ môn KHTN trong lớp học thông minh sử dụng phần mềm học liệu số 3D Mozabook để tạo tính linh hoạt, sinh động trong mỗi giờ học. Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường áp dụng thí điểm phần mềm điểm danh HS bằng camera nhận diện khuôn mặt tại lớp 7/12. Bằng cách này, hình ảnh nhận diện khuôn mặt HS được gửi đến email của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm khi HS ra, vào lớp mỗi ngày. Không chỉ xây dựng lớp học thông minh, Trường THCS Lê Quý Đôn còn xây dựng cổng thông tin nội bộ để giao tiếp với phụ huynh, phần mềm quản lý điểm kỷ luật của HS trong toàn trường, phần mềm đóng BHYT online, phần mềm quản lý mượn sách thư viện. Đặc biệt, số hóa chữ ký cũng được áp dụng cho cấp quản lý để thuận tiện cho các giao dịch.
Về ứng dụng CNTT trong trường học tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, đã có rất nhiều đơn vị trường THCS, THPT tiên phong trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, về học bạ điện tử, Sở GD-ĐT đã kiến nghị với Bộ GD-ĐT ban hành thông tư về học bạ, trong đó có học bạ điện tử để đảm bảo quyền lợi cho HS. Học bạ điện tử hiện nay chưa có tính pháp lý, chưa có hướng dẫn nào cụ thể. Hiện tại, vẫn sử dụng học bạ điện tử như một hình thức thay thế trang đầu, song song sử dụng học bạ truyền thống để đảm bảo quyền lợi của HS. Trong ứng dụng CNTT, trong năm học này, Trung tâm Thông tin sẽ đưa app (phần mềm) quản lý dành cho cán bộ quản lý cấp phòng, cấp sở. Với app này, hàng ngày, các cán bộ quản lý chỉ cần nhìn vào điện thoại là biết được tình hình HS vắng ở các đơn vị trường học trên địa bàn mình. |
Theo thầy Phạm Đăng Khoa - Hiệu trưởng nhà trường, việc xây dựng THTM cần bắt đầu từ chính lớp học thông minh. Mà ở đó, không chỉ có công nghệ lên ngôi, không chỉ có cơ sở vật chất mà cần nhất là con người - làm sao tạo được sự kết nối xuyên suốt giữa giáo viên với HS và phụ huynh thông qua công nghệ.
“Thời gian đầu ứng dụng tối đa CNTT, giáo viên rất bỡ ngỡ. Thế nhưng sau thời gian tập huấn, hiện tại việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và kết nối đã giúp ích rất nhiều cho các thầy cô. Không chỉ giúp việc giảng dạy nhẹ nhàng hơn, các tiết học cũng trở nên thú vị hơn, tạo đam mê học tập cho HS mà trong việc gắn kết với phụ huynh cũng trở nên đơn giản, thấu hiểu”, thầy Khoa nói.
Bài, ảnh: Nam Định
Hãy gọi cho chúng tôi để tìm hiểu nhiều hơn nữa về giải pháp nhận diện khuôn mặt điểm danh học sinh
Công ty TNHH truyền thông Tùng Việt
Địa chỉ: 489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh, Phường 13, Quận Phú Nhuận, TP.HCM
Hotline tư vấn 0909.555.709
Xem thêm tại link: www.vietnamdigitalsignage.com
#NeoFace_KAOATO
#kaoato
#nhandienkhuonmatthongminh
#nhandiendiemdanh
#nhandienhocsinh
#diemdanhtruonghoc
#NEC