489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Nghe cổ ngọc kể chuyện ngày xưa

Nghe cổ ngọc kể chuyện ngày xưa

Ngọc vốn được người phương Bắc xem đứng đầu trong vật chất tinh hoa của đất trời, tượng trưng cho vẻ đẹp cao quý, thuần khiết. Do đó, ngọc hầu như chỉ được dùng trong giới quyền quý, nhất là đấng chí tôn.

Đặc biệt quý hiếm

Quan niệm về ngọc ấy ảnh hưởng lớn vua chúa các triều đại của Việt Nam. Nước ta gần như không có mỏ ngọc lớn, cho nên các triều phong kiến phải nhập khẩu ngọc thành phẩm từ nước ngoài. 

Chỉ một số vật mang tính bí mật quốc gia như ấn tín, lệnh bài... mới thuê thợ phương Bắc về xưởng trong cung chế tác.

Ngọc trong nước hầu như chỉ dành cho vua. Xem trong sử sách, mỗi lần phát hiện ngọc, nghiễm nhiên vật ấy được dâng cho triều đình, đến tận tay vua. 

Ngọc được vua dùng làm lễ vật cầu hiền, danh sĩ, cao nhân; là lễ vật tế trời đất, núi sông, lúa gạo; là quà dâng bề trên, tặng vật quý nhất cho thân tộc, quan lại cấp cao.

Triển lãm "Ngọc xuất danh sơn" có hơn 100 món cổ vật làm bằng nhiều loại ngọc màu sắc khác nhau như ngọc hồng, ngọc vàng, ngọc xanh, ngọc trắng với niên đại từ khoảng thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, vẹn nguyên, quý giá.

Chủ nhân của nó từng là bậc hoàng đế, thành viên hoàng gia và quan lại cấp cao nhất. Đó là nhóm lễ vật tế tự như bình, ấm, chén, tô, đĩa, đỉnh, hũ... 

Nhóm văn phòng tứ bảo: khay, hộp, bút, ống bút, gác bút, thủy trì, nghiên... Có rất nhiều vật dụng của vua và hoàng gia, từ các loại trang sức, đồ dùng cho đến nhiều loại vật ban thưởng.

Quý giá nhất trong số đó vẫn là nhóm đồ ngọc ngự dụng. Trong đó, cạnh bộ búi tóc có trâm cài bằng ngọc trắng có kiểu dáng như "bàn tay chụp" khá đặc biệt, nằm cạnh bộ búi tóc hình ống tròn có trâm gài bằng ngọc xanh, cùng niên đại thế kỷ 19. 

Thì ra, tùy theo loại mũ vua đội mà kiểu búi tóc không giống nhau, dẫn đến cấu trúc cái búi cũng khác nhau.

Kế đến là bộ vật dụng bằng ngọc vua ban cho các hoàng tử, công chúa hay hoàng thân quốc thích...

Trong bộ như ý có một cây bằng ngọc xanh rất lớn, khả năng do vua ban thưởng cho một vị trọng thần lập công đặc biệt.

Một cây như ý vừa bằng ngọc trắng trong suốt, xuất xứ từ cung An Định, khả năng do vua Khải Định tặng con trai trong đợt phong Đông cung Thái tử (sau này là vua Bảo Đại). Và một cây như ý bằng ngọc xanh lục, nhỏ hơn, có thể do nhà vua ban tặng một vị thân vương.

Rất đông giới cổ ngoạn và du khách dự khai mạc triển lãm “Ngọc xuất danh sơn” vào sáng 21-11 - Ảnh: THÁI LỘC

Rất đông giới cổ ngoạn và du khách dự khai mạc triển lãm “Ngọc xuất danh sơn” vào sáng 21-11 - Ảnh: THÁI LỘC

Ngọc quý kể chuyện

Khi hoàng đế nhà Nguyễn băng hà, triều đình sắm riêng một bộ văn phòng tứ bảo dành riêng cho việc "đề chủ". Theo đó, thần chủ (kiểu bài vị dân gian) được chừa lại một vài nét; sau di hài nhập tử cung là đến lễ đề thần chủ.

Một vị trọng thần dùng bút "đề chủ" cho đủ nét, hoàn thiện thần chủ, sau đó mới rước về thờ ở điện Phụng Tiên trong hoàng cung. Vị trọng thần ấy được đặc ân nhận bộ văn phòng tứ bảo đặc biệt này.

Tại triển lãm "Ngọc xuất danh sơn", có hai cái nghiên trong bộ văn phòng tứ bảo tương tự. Nghiên dùng trong lễ tang Thánh tổ Minh Mạng bằng bạch ngọc, đề chữ "Thiệu Trị niên tạo".

Và nghiên dùng trong lễ tang Hiến tổ Thiệu Trị, phía dưới ghi "Tự Đức niên tạo" và phần nắp đề chữ "Thọ đồng nhật nguyệt" (sống lâu như trời, trăng) cùng hai chữ "Đoan Khê" - một loại đá quý dùng trong điêu khắc cao cấp của phương Bắc.

Hai nghiên mực đặc biệt ấy được nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn mua lại từ hậu duệ đại thần ở Huế mấy chục năm trước, lần đầu "ra mắt" với mọi người.

Một hiện vật đặc biệt khác là cái chén ngọc trắng bịt vàng tuyệt đẹp chưng trên cái đế ngà voi tiện tròn. Tháng 5-1916, Nguyễn Hoằng Tông (Khải Định) lên ngôi, Hiền Lương hầu Trương Như Cương khi ấy là Thượng thư Bộ Lại rơi vào thế khó xử.

Ông từng là nhạc gia của Khải Định khi chưa lên ngôi. Ba năm trước đó, con gái của ông là Trương Như Thị Tịnh có thể đã nhờ cha mình can thiệp để được bỏ chồng đi tu.

Nằm trong thế khó ấy nên "nguyên nhạc gia" nhiều lần cáo lão. Nhà vua có lẽ để chứng tỏ mình rộng lượng nên một mực mời ở lại triều. 

Làm quan thêm sáu tháng thì được về hưu, cụ Trương Như Cương được nhà vua ban thưởng một số vật quý, trong đó có cái chén ngọc kể trên. Năm 1976, cụ Hoàng Thị Hằng, thân mẫu nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, mua lại từ người cháu nội cụ Hiền Lương hầu.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong triển lãm 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trong triển lãm

Đặc biệt hơn là bộ sưu tập tô, chén, đĩa và ấm trà xuất xứ từ sưu tập hoàng gia nhà Nguyễn. Quý giá nhất trong số đó là cái tô đường kính khoảng 28cm, bằng ngọc trắng, bốn mặt chạm hoa cúc tuyệt mỹ. Một cái tô khác bằng ngọc xanh, chạm rồng, và một tô nhỏ nữa bằng ngọc trắng, bề mặt mịn màng, trông rất quý phái.

Triều Nguyễn kết thúc, hầu hết tài sản hoàng gia do vị hoàng thái hậu cuối cùng là đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại, thừa hưởng. Để làm nhiều việc cho dòng họ nhà chồng, bà Từ Cung đã bán dần số cổ vật ấy. 

Những năm 1970, đức Từ Cung đã nhượng lại sưu tập cổ ngọc hoàng gia quý giá ấy cho nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn để lấy tiền cúng giỗ hoặc sửa chữa một số lăng vua.

Triển lãm "Ngọc xuất danh sơn" tại 114 Mai Thúc Loan, Thành nội Huế, kéo dài đến hết ngày 6-12

Thái Lộc 

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ