489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Triển lãm sư tử và nghê thuần Việt lần đầu đến với TP HCM

Triển lãm sư tử và nghê thuần Việt lần đầu đến với TP HCM

Tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM lần đầu tiên diễn ra triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam". Không gian này trưng bày gần 60 hiện vật nghê, sư tử từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến Nguyễn được tạo tác bằng các chất liệu đá, gỗ, gốm, sành, đồng... Đi kèm các hiện vật là một số tư liệu, tài liệu khoa học, các hình vẽ phác họa, chú giải về danh xưng hiện vật cổ, cách nhận biết nghê, sư tử Việt trên cơ sở từng mẫu hiện vật.

IMG-0217.jpg

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông dành thời gian đến thưởng thức triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam". Ảnh: Thoại Hà.

Thời gian qua, không ít người, trong đó có giới kiến trúc, khảo cổ bức xúc trước tình trạng tượng linh vật ngoại lai như sư tử đá, nghê... xuất hiện nhiều ở các công sở, đền chùa trong nước. Vì thế, triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM còn nhằm cung cấp cái nhìn khái quát nhất về những giá trị bản sắc xưa trong cách hiểu và cảm nhận về linh vật Việt Nam, nâng cao sự hiểu biết, trân trọng và tự hào của người dân về kho tàng di sản và truyền thống văn hóa. Đồng thời, triển lãm cung cấp cho người xem khái niệm để nhận biết đâu là linh vật thuộc về nền văn hóa dân tộc.

Ví dụ, nghê Việt cũng có hệ thống danh xưng và cách nhận dạng riêng. Trong tâm thức người Việt, nghê là loài linh thú mang ý nghĩa thiêng liêng. Nghê được phân loại theo hình tướng thực tế của con nghê: sư tử nghê, kỳ lân nghê, long nghê, khuyển nghê...

Triển lãm trưng bày các loại tượng nghê với mô tả: sư tử nghê thân thường mập ngắn (xuất hiện nhiều trong mỹ thuật Lý, Trần gắn bó mật thiết với Phật giáo); long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa; kỳ lân nghê mình vẩy, lưng có kỳ, có sừng xuất hiện trong gian thờ đứng chầu bên hương án, cửa khám, rất thịnh trong thời Lê Trung Hưng; kỳ lân nghê với đầu không có sừng xuất hiện nhiều vào thời Nguyễn ở những nơi tôn nghiêm của Hoàng triều... Còn khuyển nghê mang đặc tính chó nhiều nhất với mình không có vẩy, đầu không có sừng, mình có thể trơn, dáng hình có thể mập như dạng nghê trên đỉnh hương đội bảng văn hay đặt ở cuối cửa, thành bậc...

Sư tử vỡ mặt ở chùa Thông

Sư tử ở chùa Thông.

Cách nhận biết sư tử Việt cũng mang đến nhiều thích thú cho người xem. Đứng trước bức tượng sư tử đá ở chùa Thông với khuôn mặt bị đập vỡ không còn thấy mặt, mũi, hàm phía trước, không ít khán giả vẫn cảm nhận được uy lực toát ra từ linh vật. Bức tượng được phỏng đoán bị vỡ do những va đập lớn nhằm cố gắng "giết chết linh vật" trong quá khứ. Tuy không nguyên vẹn, tư thế ngóc đầu của sư tử với bờm dựng, miệng há rộng phần nào mô tả được hình dáng của một con sư tử cất tiếng gầm vang thường được nhắc đến trong các tác phẩm Phật giáo với thuật ngữ quen thuộc là "Sư tử hống".

Có khá nhiều dấu hiệu để phân biệt sư tử Việt và sư tử "ngoại lai". Trong đó, dấu hiệu đầu tiên là chữ Vương trên trán linh vật. Ngoài ra, sư tử Việt cũng thường có viên ngọc được gắn trên trán nhằm tăng tướng sang quý, tôn kính. Những viên ngọc này rất giống với kiểu trang trí từng thấy ở trên nhục kháo tượng phật của chùa Phật tích. Một điểm nhấn khác nữa ở sư tử Đại Việt là miệng thường ngậm ngọc, hoặc trong nhiều trường hợp, chân sư tử cũng nắm giữ ngọc báu. Viên ngọc trong miệng sư tử tương phản với những chiếc răng sắc nhọn, như muốn nhấn mạnh sức mạnh toát ra từ linh vật là để phụng sự cái thiện, phụng sự Phật pháp...

IMG-0215.jpg

Ông Roby Bellemans tại buổi khai mạc triển lãm mỹ thuật vào ngày 15/1. Ảnh: Thoại Hà.

Buổi khai mạc triển lãm vào ngày 15/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM thu hút khá đông khán giả đến thưởng lãm. Trong số đó có hơn một trăm sinh viên đến từ các đại học. Trần Thị Diễm, sinh viên chuyên ngành Nội thất, Đại học Văn Lang, TP HCM chia sẻ, cô và bạn bè thường dành thời gian rảnh để đi tham quan các bảo tàng nhằm bổ sung cho kiến thức học chuyên ngành. "Tôi rất thích triển lãm này vì nó giúp tôi có cái nhìn mới mẻ hơn về kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và hình thức tạo tác linh vật nói riêng theo quan niệm văn hóa dân gian", nữ sinh cho biết.

Ông Roby Bellemans, người Hà Lan, nằm trong số các vị khách nước ngoài đến với buổi lễ khai mạc. Vốn là một curator (nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức cho triển lãm, tác giả, tác phẩm...), từng đi tham quan nhiều bảo tàng, triển lãm mỹ thuật khắp nơi, Roby Bellemans vẫn không giấu được thích thú khi ngắm tác phẩm tại triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam".

"Đây là lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn bộ sưu tập linh vật này. Tôi rất thích thú khi tìm hiểu các chi tiết như tượng sư tử của Việt Nam được khắc họa trong kiến trúc cổ mềm mại và hiền hòa, chứ không hung hăng. Tiếc là ban tổ chức chưa kịp có một cuốn sách cung cấp những chú giải và hình ảnh chi tiết hơn về các hiện vật trong triển lãm. Tôi nghe nói tháng tới, cuốn sách này được xuất bản. Nếu có sách, khán giả sẽ có thêm tư liệu để tìm hiểu về một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam", ông Roby nói.

Triển lãm kéo dài đến ngày 12/2. Sau TP HCM, các mẫu hiện vật được mang về với khán giả thành phố Cần Thơ. Trước khi đến với TP HCM, triển lãm chuyên đề này tổ chức thành công tại Hà Nội và Đà Nẵng. Chương trình do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Nam Định, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM phối hợp thực hiện.

Thoại Hà

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ