Khách tham quan góc trưng bày sưu tập lư hương và dụng cụ ăn trầu của nhà sưu tập Nguyễn Hữu Triết - Ảnh: L.ĐIỀN
Triển lãm được Hội Cổ vật TP.HCM chung tay phối hợp. Trong khi các nhà sưu tập tề tựu về lễ khai mạc thì nhân vật chính phải vắng mặt vì lý do sức khỏe. Có lẽ vì vậy nên tên gọi cho chuyên đề triển lãm lần này là "Sưu tập Nguyễn Hữu Triết - Tâm huyết một đời người" gợi lên thật nhiều cảm xúc.
Giới sưu tập Sài Gòn dường như không ai không biết đến Cha Triết - tên gọi thân mật dành cho vị cha sở giáo xứ Tân Sa Châu - người dành tất cả thời gian nhàn rỗi và sự quan tâm ngoài việc đạo cho công cuộc sưu tầm, lưu giữ các cổ vật và sách, tài liệu xưa như một cách góp phần gìn giữ văn hiến nước nhà.
Lần triển lãm này, công chúng sẽ có dịp chiêm ngưỡng các cổ vật trích tuyển từ 5 bộ sưu tập của Cha Triết: các chiếc đèn cổ, bộ sưu tập cân và quả cân, bộ sưu tập lư hương và bát nhang, các chiếc lục lạc, sưu tập dụng cụ ăn trầu của người Việt.
Bộ sưu tập đèn cổ của Cha Triết từng là nỗi ao ước của nhiều nhà sưu tập khi các loại đèn Âu, Á nhiều niên đại nhiều chất liệu tập trung về đây, từng được xác lập kỷ lục "Bộ sưu tập đèn cổ nhiều nhất Việt Nam" năm 2005.
Cân và quả cân là bộ sưu tập độc đáo của linh mục Triết. Cân là dụng cụ đo lường xuất hiện từ khoảng 2.000 năm trước Công nguyên. Ở đây giới thiệu nhiều kiểu dáng cân và quả cân. Độc đáo như bộ cân của Myanmar; hay quả cân bằng gốm sứ của Trung Quốc niên đại thế kỷ 19 có ghi dòng chữ "công bình giao dịch/thiên lý lương tâm" như một tuyên ngôn của giới doanh thương lúc bấy giờ.
Những chiếc lục lạc trông bình thường nhưng nếu nhìn lại lịch sử của loại hình văn vật này mới thấy lục lạc là vật dụng được con người chế tác và sử dụng từ thời tiền sơ sử.
Lục lạc có nhiều công năng: nhạc cụ, đồ trang sức, vật trang trí trên trang phục. Lục lạc có kích thước lớn còn được sử dụng để đeo vào cổ các con vật như voi, trâu, bò, ngựa... Hoa văn thường là những đường vạch chỉ có ảnh hưởng hoa văn văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đồng Nai và Nam Tây Nguyên.
Bộ sưu tập lư hương và bát nhang cũng là một nội dung quan tâm của Cha Triết. Triển lãm lần này giới thiệu một số lư hương đa dạng về hình dáng, phong phú về chất liệu, gồm các loại lư hương, bát nhang gốm thời Trần (thế kỷ 13-14); thời Mạc (thế kỷ 16-17); lư hương gốm Thổ Hà (thế kỷ 17-18) và lư đồng thời Nguyễn (thế kỷ 19).
Và có lẽ bộ sưu tập dụng cụ ăn trầu là độc đáo nhất trong "gia tài sưu tập" của một vị linh mục. Dụng cụ ăn trầu sớm nhất còn tồn tại đến nay có niên đại từ thời Lý - Trần.
Trong nhiều năm, linh mục Nguyễn Hữu Triết để ý các vật dụng dùng trong thói quen ăn trầu của phụ nữ Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ.
Đó là các vật dụng làm nên văn hóa ăn trầu như: các loại bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi, dao, ô trầu, ống nhổ, cối, chìa ngoáy, hộp đựng… chủ yếu bằng gốm và kim loại. Trong đó, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong phong tục ăn trầu của người Việt.
Triển lãm mở cửa đến ngày 31-7-2022.
Một số cổ vật đang được triển lãm: