489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Tp.HCM: Loay hoay vì nguồn lực, bảo tàng thiếu bứt phá như kỳ vọng

Tp.HCM: Loay hoay vì nguồn lực, bảo tàng thiếu bứt phá như kỳ vọng

Thách thức tìm nhân sự giỏi

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ cho biết, bảo tàng ngày càng có nhiều phòng trưng bày nội dung và thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy vậy để vận hành máy móc trơn tru, cái khó đội ngũ đang đối diện là tuyển dụng nhân viên kỹ thuật phụ trách mảng.

Công cuộc chuyển đổi số ngày một nhanh chóng, điều này đặt ra gánh nặng bảo tàng phải kịp thời đáp ứng, nâng cấp ứng dụng không ngừng để thích nghi và thu hút khách tham quan.

“Muốn làm tốt, chúng tôi cần tìm người quán xuyến, kịp thời sửa chữa khi có sự cố hư hỏng về công nghệ, phần mềm, nhưng ngành nghề này kén người nên bảo tàng cũng đang xoay sở tìm nhân viên”, bà Thắm trăn trở.

Ngoài ra, số lượng công nhân viên hạn chế tại nhiều bảo tàng hiện nay cũng khiến khâu vận hành, quản lý bảo quản tài sản cho đơn vị gặp khó khăn khi có sự cố hoặc có sự kiện lớn cần nhân sự tổ chức.

Theo các đại diện tại đây, hoạt động bảo tàng dù thuộc công lập hay tư nhân đều chung mục tiêu gìn giữ và nghiên cứu, chia sẻ văn hóa nghệ thuật, xa hơn là câu chuyện kinh doanh và giới thiệu điểm đến tại địa phương. Để đóng góp vào phát triển ngành du lịch cũng như quảng bá văn hóa về lâu dài, việc nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn và lành nghề là điều cấp thiết.

Đối với đơn vị tư nhân, đại diện Bảo tàng Áo Dài, bà Huỳnh Ngọc Vân cho biết, đến thời điểm này khách quốc tế quay lại vẫn chưa nhiều nhưng nhu cầu quan tâm điểm đến bảo tàng luôn có. Chính vì thế, đơn vị tập trung phục vụ tốt nhằm thu hút khách nội địa, đảm bảo nguồn thu đủ trang trải chi phí duy trì và vận hành tự lập.

Vị giám đốc này cho hay, cơ sở đã đầu tư thêm vào dịch vụ thuê áo dài chụp ảnh, bổ sung liên tục các mẫu áo dài mới với giá thuê học sinh, sinh viên. Cho đến nay, dịch vụ thêm cho nguồn thu chiếm khoảng 30% tổng thu của bảo tàng. Hay đơn vị cũng kết hợp thêm với người dân tại địa phương mở mô hình Chợ Quê bán những món ăn truyền thống do chính bà con khu vực lân cận đứng bếp.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của người dân đến các điểm bảo tàng truyền thống vẫn luôn có nếu tìm cách khai thác phù hợp. Hiện bảo tàng cũng cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sưu tầm, tham gia nhiều hội thảo để phát triển một công tác vốn còn non trẻ tại một bảo tàng ngoài công lập”, bà Ngọc Vân chia sẻ.

Tuy nhiên, trước khó khăn chung của người làm bảo tàng, đơn vị cũng không đứng ngoài thực trạng đó khi nhân lực giỏi ra đi, tuyển mời người có chuyên môn cực kỳ khó.

Bà Vân cho biết, trong một khoảng thời gian bảo tàng đã mất đi nhiều nhân viên kì cựu và hiện tại chưa tìm được người bổ sung phù hợp. Nhân viên tại bảo tàng đang có số lượng ít và phải thay nhau choàng gánh khối lượng công việc lớn nên đó cũng là áp lực của người lao động lúc này.

Thiếu người làm chuyên môn, có kinh nghiệm và tình yêu với công việc lâu dài nên khi đăng tin tuyển người gặp rất nhiều khó khăn.

Sự kiện - Tp.HCM: Loay hoay vì nguồn lực, bảo tàng thiếu bứt phá như kỳ vọng

Các bảo tàng tại Tp.HCM đều thiếu nhân sự có chuyên môn, trình độ cao.

Là bảo tàng tư nhân mới khai trương trong năm 2023, nằm ngay bên bờ sông Sài Gòn, ở vị trí đắc địa, nhưng việc kinh doanh của bảo tàng Quang San vẫn trong tình trạng “lấy thu bù chi”.

Đại diện Bảo tàng Quang San, ông Nguyễn Thiều Kiên chia sẻ, việc đơn  vị tư nhân đầu tư bảo tàng tại Việt Nam có thể chậm hơn nhiều nước khác nhưng nếu vài địa điểm có sự khởi sắc thì sẽ là sự khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn mở bảo tàng.

Ông Kiên kỳ vọng, khi bảo tàng ngày càng phổ biến, tiếp cận gần và rộng hơn đến công chúng sẽ góp phần vào quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, tạo vệc làm, tăng cơ hội nghề nghiệp và từng bước giải bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tại Việt Nam.

Cần sự đầu tư xứng đáng cho bảo tàng

Anh Trần Đăng Khoa, hướng dẫn viên tại một công ty du lịch tại Tp.HCM nhận xét, điểm yếu của các bảo tàng hiện nay là không có sự thay đổi sau nhiều năm và cũng không có chương trình cụ thể để thu hút khách tham quan.

“Tại Tp.HCM, ngoại trừ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thường thu hút khách quốc tế và Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM chuyên sâu về mỹ thuật thì các bảo tàng ở Tp.HCM gần như không có hoạt động gì nổi bật”, anh Khoa nói.

Anh Khoa cũng cho rằng muốn bảo tàng hấp dẫn thì trước hết hoạt động phải gần gũi, phải bắt kịp những gì đang diễn ra trong đời sống. Trong những năm gần đây, một số bảo tàng tại Tp.HCM có sự đổi mới, áp dụng công nghệ số trong trưng bày, cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao trình độ đội ngũ thuyết minh viên nhưng chừng đó là chưa đủ.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng thiếu đầu tư cơ bản và thường xuyên là nguyên nhân khiến các bảo tàng tại Việt Nam động cầm chừng, vắng khách thăm quan.

Dẫn dắt bằng câu tục ngữ “một người lo bằng một kho người làm”, theo TS. Lê Thị Minh Lý, công tác quản lý các thiết chế văn hoá cần phải chú trọng, giao cho người có năng lực quản lý nói chung và năng lực nghề nghiệp nói riêng.

Trong đó, “người lo” là người phải nắm được chức năng nhiệm vụ của thiết chế, nắm được di sản mà mình được trao trách nhiệm quản lý; nắm vững chủ trương, đường lối phát triển văn hoá của quốc gia. Người nay vừa phải nhạy bén với những vấn đề xã hội đang quan tâm để xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển bảo tàng và di tích; vừa phải có năng lực tổ chức và điều hành bộ máy của mình thực hiện chiến lược đó.

“Để đổi mới cần đánh giá khách quan và nghiêm túc những mặt yếu của mình, những khoảng cách trong khâu quản lý và đề xuất những biện pháp thiết thực để từng bước giải quyết. Quan trọng nhất là phải hiểu vấn đề của chính mình, có tư duy đổi mới để hành động”, bà Lý chỉ ra.

Ngày càng có nhiều bảo tàng, di tích làm “sống lại” các câu chuyện cũ bằng cách kể thành những câu chuyện với hình thức mới, TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, đó là phương pháp kết nối lịch sử với cuộc sống đương đại.

“Sự phát triển bền vững là nhiệm vụ mà các bảo tàng và di tích phải làm cho được. Muốn kể câu chuyện lịch sử một cách sống động, cảm xúc và có ý nghĩa thực tiễn ta lại phải trở lại nhiệm vụ đầu tiên đó là nghiên cứu, kết nối và sáng tạo”, chuyên gia nói.

Vì thế, các bảo tàng cần nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và sâu sắc sưu tập, di tích, di sản phi vật thể, ký ức. Cần nhận diện rõ các giá trị, ý nghĩa, thông điệp của di sản và kết nối với nhu cầu, thị hiếu của xã hội của công chúng rồi căn cứ vào nhiệm vụ của mình để sáng tạo ra các hoạt động phù hợp và hữu ích.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, TS. Lê Thị Minh Lý nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “thà ít mà tốt” để chỉ ra, vấn đề là đào tạo như thế nào, cơ hội nâng cao năng lực trong thực hành ra sao 

Bà Lý băn khoăn, chế độ lương bổng như thế nào để bảo tàng ngày càng có nhiều “người lo” xứng tầm, người làm cũng xứng tầm với nhiệm vụ của các thiết chế văn hoá đang giữ gìn và phát huy giá trị di sản của quốc gia.

Nguyễn Thành Nhân 

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ