Đầu năm 2024, Thomson Reuters công bố một báo cáo về ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (A.I), công nghệ và tự động hóa đến công việc của những người làm các công việc chuyên môn (các nước Mỹ và Anh gọi là professionals) như luật sư, kế toán, ngân hàng... Được đặt tên “Tương lai của các chuyên gia”, báo cáo này khảo sát hơn 1.200 cá nhân làm việc ở các lĩnh vực pháp lý, thuế, kế toán, thương mại đa quốc gia, quản lý rủi ro và tuân thủ, kiểm soát nội bộ... của công ty và các cơ quan chính phủ có trụ sở tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Vương quốc Anh.
Theo báo cáo này, hơn 2/3 (67%) số người được hỏi cho biết họ tin rằng A.I sẽ có tác động lớn đến nghề nghiệp của họ trong 5 năm tới. Đa số (66%) cũng dự đoán rằng A.I thực sự sẽ tạo ra con đường sự nghiệp mới.
A.I và tương lai của nghề nghiệp
Tại sao lại nhắm vào nhóm những người làm công việc chuyên nghiệp như luật sư, kế toán viên, chuyên gia ngân hàng? Vì đây là một trong những nhóm sẽ bị ảnh hưởng rõ ràng nhất bởi những thay đổi của công nghệ A.I mới như A.I tạo sinh trong thời gian tới. Theo báo cáo của Chính phủ Anh về tác động của A.I đến việc làm công bố vào cuối năm 2023, lĩnh vực công việc của các nhân viên chuyên nghiệp này sẽ là khu vực có mức độ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi A.I. Ở đây, cần hiểu mức độ ảnh hưởng có thể cả tốt và xấu, nghĩa là các công cụ A.I ví dụ như ChatGPT có thể lấy đi một số công việc, nhưng đồng thời cũng khiến cho nhiều nghiệp vụ lặp đi lặp lại và không đem lại nhiều giá trị có thể được giao khoán cho A.I và các chuyên gia có thể dành nhiều thời gian hơn cho những hoạt động tạo ra giá trị lớn hơn.
Nếu thế hệ trước đây tin rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” và thích việc con mình trở thành một nhân viên chuyên nghiệp như luật sư, kế toán viên, tư vấn thuế, tư vấn tài chính, những nghề luôn có nhu cầu và tăng trưởng số công việc cao, thì những công nghệ A.I tạo sinh như ChatGPT đang tạo ra những thay đổi lớn trong các công việc này.
Còn nhớ câu chuyện bi hài vào giữa năm 2023 rằng một luật sư ở New York đã thừa nhận mình đã dùng A.I để tìm một số án lệ liên quan đến một vụ kiện với một hãng máy bay và A.I đã “chế” ra 6 án lệ không hề có thật - điều đã bị luật sư đối phương phát hiện ra. Câu chuyện này cho thấy một số công việc có thể giao cho các luật sư thực tập hoặc nhân viên luật cấp thấp nay có thể được làm bởi A.I, dù nó tiềm ẩn rủi ro là A.I có thể “chế tạo nội dung”.
Ngoài luật thì thuế và kế toán cũng như công việc có quy trình rõ ràng trong chính phủ cũng là những lĩnh vực có thể được A.I hỗ trợ đáng kể, nhưng đồng thời cũng sẽ làm mất đi một số công việc có tính giản đơn, không thật sự cần người làm. Đồng thời, một số công việc mới sẽ được tạo ra, mà đúng hơn là công việc tính chất cũ nhưng cần kỹ năng mới. Ví dụ, một số công ty kiểm toán đang xem xét mở rộng các hoạt động soát xét và chứng nhận kiểm toán cho các ứng dụng A.I mà đáp ứng tiêu chuẩn do EU đưa ra.
Trong một bài báo đầu năm, Forbes trích lời của Chris Hyams, CEO của công ty chuyên về lĩnh vực nhân sự Indeed, cho rằng công việc sẽ không bị mất đi, mà sẽ được “biến đổi” (transform). “Chúng tôi nghĩ rằng A.I sẽ biến đổi hầu hết mọi công việc, cách chúng được thực hiện, không nhất thiết phải loại bỏ những công việc đó, nhưng chúng sẽ biến đổi”, ông Hyams nói.
Việc này cũng tương tự điều mà tôi nghe được từ một số chuyên gia của các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4 và đại diện của ACCA trong một cuộc gặp vào tháng 11/2023 với Đại học Bristol nơi tôi làm việc. A.I không lấy mất công việc, nhưng làm biến đổi nó. Nhưng nếu người đang làm công việc đó không thể thích ứng với sự biến đổi đó thì sao? Họ sẽ bị thay thế. Nếu trường đại học không giúp được cho sinh viên ra trường có thể thích ứng với sự biến đổi đó thì ngành mà họ dạy sẽ không còn được các nhà tuyển dụng quan tâm nữa.
Sự thay đổi do các công nghệ A.I mới vì vậy nhiều khả năng sẽ không lấy mất công việc của các kế toán, luật sư, chuyên gia ngân hàng... nhưng nó sẽ khiến người không thích ứng được với nhu cầu mới của công việc bị thay thế. Một câu nói đang trở nên phổ biến phản ánh tình hình này: “A.I sẽ không thay thế bạn, nhưng những người có thể dùng A.I sẽ làm điều đó”.
Giáo dục sẽ thích ứng như thế nào?
Các nghề nghiệp chuyên môn như luật sư, kế toán, tài chính chiếm một tỉ trọng lớn trong chương trình giáo dục ở bậc đại học và nguồn thu từ đào tạo các lĩnh vực này là đóng góp trọng yếu cho các trường đại học với khóa học thạc sĩ, đào tạo chuyên ngành ngắn hạn và đào tạo lãnh đạo với mức học phí cao gấp 3 thậm chí đến 5 lần mức bình quân của một chương trình đại học thông thường ở Anh.
Vì vậy, nhiều trường đại học đang tìm hiểu làm sao để các chương trình đào tạo ở đại học thích ứng được với môi trường “bình thường mới”, nơi mà kỹ năng dùng các công cụ A.I có thể trở thành một phần thiết yếu của công việc như kỹ năng soạn thảo văn bản trong Word vậy. Vấn đề này không đơn giản là “dạy kỹ năng A.I” như một số người đưa ra. Bởi vì không ai thống nhất được với nhau đâu là kỹ năng A.I cần thiết.
Điều thứ 2 nữa là song song với việc cần dạy kỹ năng sử dụng A.I cho sinh viên, các trường đại học cũng đang lo sợ A.I sẽ bị sinh viên lạm dụng để gian lận. Ví dụ, với các trường đại học ở Anh, việc nộp bài tập trong đó sử dụng nội dung mà A.I tạo ra được xem là tương đương với thuê người làm bài hộ (contract cheating), là một hành vi vi phạm đạo đức học thuật nghiêm trọng. Dạy sinh viên kỹ năng A.I nhưng lại không cho sinh viên dùng nó để gian lận là không hề đơn giản. Hiểu nôm na, nó giống như ngày xưa người dạy về tài chính dạy sinh viên kỹ năng dùng máy tính để thực hiện tính toán, nhưng lại buộc sinh viên phải thể hiện rằng mình hiểu được nguyên tắc cơ bản chứ không phải chỉ máy móc nhờ máy tính đưa ra câu trả lời.
Điều này sẽ đơn giản nếu như tất cả các môn học đều thi đề đóng hoặc vấn đáp. Vấn đề là trong nhiều môn học thì phải nộp khóa luận, đồ án, bài tập và ngày nay các công cụ trong ChatGTP cũng có thể giúp sinh viên viết cả một khóa luận ngành công nghệ máy tính, từ phần mã lập trình cho đến các bước thiết kế sản phẩm cuối cùng. Kết hợp với các nền tảng “no-code” (các nền tảng tạo ra sản phẩm, ứng dụng mà cần rất ít lập trình hoặc không cần lập trình gì, chỉ cần “nhúng mã” có sẵn vào) thì đây là một cơ hội hoàn hảo cho sinh viên không biết lập trình gì nhiều cũng làm ra một sản phẩm tầm trung bình như một lập trình viên.
Vậy làm sao để các trường đại học thích ứng? Thật lòng mà nói, tôi không biết đâu là câu trả lời đúng. Nhưng có nhiều sáng kiến mới. Ví dụ, có những trường ở Anh quay lại tăng các môn thi vấn đáp qua nhiều nền tảng công nghệ mới, cho phép vừa vấn đáp vừa tương tác qua công nghệ VR. Lại có trường như Đại học Bristol nơi tôi giảng dạy thì một mặt khuyến khích dùng A.I trong giảng dạy, mặt khác mở các buổi hướng dẫn cho sinh viên những điều không nên làm trong quá trình làm khóa luận, luận văn khi dùng công cụ A.I và để chính sinh viên “dạy” cho nhau những cách làm tốt nhất trong khuôn khổ một chính sách chung khá thoáng của trường. Tôi thì chỉ đang quan sát kết quả. Vì thực ra mọi thứ đang trong quá trình biến đổi và tôi nghĩ quan trọng là tính linh hoạt và khả năng thích ứng nhanh.
Trong một thế giới với rất nhiều bất định phía trước, có lẽ tạo một môi trường cho người học được trải nghiệm những thay đổi nhanh chóng và giúp họ tự phát triển các kỹ năng thích ứng và linh hoạt, cũng như khả năng chịu đựng bền bỉ trước những cú sốc là rất quan trọng. Những thứ này không phải là “dạy” được, mà là tạo ra nhiều hoạt động, dự án và cơ hội cho người học trải nghiệm. Tổ chức nào thành công tạo được những cơ hội này thì sẽ không lo câu chuyện A.I tạo ra biến đổi như thế nào.
Nguồn: Nhipcaudautu.vn