Khu Văn hóa Tây Cửu Long được xem là một trong những không gian phát triển văn hóa được quy hoạch hiện đại mới của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Bên cạnh nhiều công trình bảo tàng, công trình văn hóa cộng đồng hiện đại nổi bật khác, công trình Bảo tàng Cung điện Hồng Kông (HongKong Palace Museum) được hoàn thành và mở cửa cho công chúng năm 2022 với kiến trúc hiện đại, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là sự liên kết hài hòa với tổng thể cảnh quan chung và hệ thống hiện vật trưng bày đặc sắc trở thành một điểm nhấn quan trọng, sợi dây kết nối về văn hóa lịch sử của đô thị Hong Kong hiện đại với các giá trị truyền thống Trung Hoa.
Hình khối công trình ấn tượng hướng tầm nhìn ra không gian vịnh biển
Hình khối và tiểu cảnh xung quanh công trình ấn tượng với ánh sáng trang trí về đêm
Bảo tàng Cung điện Hồng Kông (HongKong Palace Museum), một dự án công trình văn hóa hàng đầu trong quá trình phát triển Khu Văn hóa Tây Cửu Long (WKCD), do các kiến trúc sư của hãng kiến trúc lừng danh Rocco Design Architects Associates đã chính thức khai trương vào dịp cuối năm 2022. Sau khi hoàn thành, bảo tàng sẽ đóng vai trò là một trung tâm trưng bày nghệ thuật và cổ vật Trung Quốc ở Hồng Kông. Công trình sau khi chính thức mở cửa trưng bày và giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập gồm hơn 900 hiện vật từ Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh trong Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc), bao gồm 160 hiện vật loại A được coi là bảo vật quốc gia. Bên cạnh đó, công trình cũng được đầu tư xây dựng với kỳ vọng trở thành một trung tâm văn hóa cộng đồng và địa danh check in mới cho đô thị Hồng Kông, đồng thời là nền tảng để kết nối các thế hệ cư dân hiện đại mới với lịch sử văn hóa của Trung Quốc với đa dạng các hình thức triển lãm đặc biệt là các cuộc triển lãm tương tác và trải nghiệm, đưa ra ánh sáng kiến thức và nhiều sự hiểu biết mới về cổ vật truyền thống Trung Hoa và thế giới đến với đông đảo rộng rãi công chúng.
Không gian sân và cảnh tiếp cận chính phía trước công trình
Không gian sân vườn phía trước khu vực sảnh chính công trình
Với quy mô diện tích khá lớn, công trình bảo tàng rộng 30.000 mét vuông sàn có vị trí xây dựng nằm ở mũi phía tây của Khu Văn hóa Tây Cửu Long, tiếp giáp với Công viên Nghệ thuật, nơi có tầm nhìn bao quát và rộng mở ra cảnh quan biển khu vực Cảng Victoria. Thiết kế hình khối và kiến trúc công trình đã được các kiến trúc sư nghiên cứu để truyền tải các giá trị tinh thần di sản Trung Quốc đến với khán giả hiện đại, thông qua nhiều giải pháp thiết kế tổ hợp hình khối, chi tiết trang trí, sử dụng vật liệu hoàn thiện để diễn giải lại các khái niệm không gian cổ xưa của Trung Quốc bằng ngôn ngữ kiến trúc đương đại.
Cụ thể, dựa trên khái niệm khám phá không gian thông qua các khoảng sân tuần tự trong khu vực Tử Cấm Thành Bắc Kinh, thiết kế công trình bảo tàng đã tổ hợp xếp chồng ba khoảng thông tầng thu hút du khách đi qua tòa nhà. Việc sắp xếp các không gian chức năng trên mặt bằng tầng trệt theo chiều dọc cũng giúp truyền tải các ý niệm về kết cấu cấu trúc đô thị dày đặc và nhỏ gọn của Hồng Kông, đồng thời nêu bật các mục tiêu về bảo tồn tối đa và tối ưu các không gian mở và các khu vực cảnh quan trên mặt đất dành cho cư dân đô thị.
Không gian đường dạo ven biển và khu công viên cây xanh bên cạnh công trình
Hình khối công trình tuy được tổ hợp với hình khối cơ bản vuông vắn, nhưng được cắt xẻ và phân chia ngoạn mục mô phỏng nhiều cấu trúc đặc rỗng của kiến trúc truyền thống Trung Hoa, cũng như đóng vai trò là cửa lấy sáng cho không gian sảnh thông tầng trung tâm và các không gian công cộng khác. Đồng thời, các chi tiết trang trí hoàn thiện trên mặt tiền mô phỏng các cấu trúc gạch ốp mái uốn lượn trong kiến trúc truyền thống bằng các mô đun tấm nhôm vô định hình cũng mang đến nhiều ý niệm kết nối giữa các giá trị truyền thống với hiện đại.
Không gian sảnh tiếp cận phụ mặt bên tầng trệt
Chi tiết không gian mái sảnh tầng trệt vút công
Chi tiết kiến trúc trang trí hoàn thiện mặt đứng công trình
Bên trong nội thất công trình, thiết kế tổ chức 03 khu vực giếng trời cung cấp khung cảnh toàn cảnh của thành phố và môi trường xung quanh theo các hướng khác nhau vào bên trong nội thất công trình. Khu vực sảnh tiếp cận chính được thiết kế trên mặt tiền phía đông, với một khung cảnh ngoạn mục hướng về khu vực trung tâm của Khu Văn hóa Tây Cửu Long.
Không gian sân trong và sảnh phụ tiếp cận phía nam có sự kết nối với khu vực mái khối đế đóng vai trò như đài quan sát ngoài trời và chiêm ngưỡng cảnh quan giúp mang đến cho du khách tầm nhìn ấn tượng bao quát ra đường chân trời của vịnh biển mang tính biểu tượng của Hồng Kông. Đây cũng là không gian được các kiến trúc sử nghiên cứu và thiết lập để trở thành một trong những điểm tham quan check in chụp ảnh quan trọng nhất với tên gọi riêng “Instagramable” của bảo tàng.
Chi tiết không gian cầu thang ngoài trời bên hông công trình
Chi tiết cấu trúc ban công kính nhìn hướng ra vịnh biển mặt đứng phía Nam công trình
Không gian sân trong và sảnh phụ tiếp cận phía Tây với tầm nhìn ra Đảo Lantau và Biển Đông ở phía xa. Các kiến trúc sư đã nghiên cứu thiết kế để không gian này kiến tạo và đóng vai trò không gian mở cho cộng đồng và cư dân tại chỗ, nơi mọi người có thể tự do tụ tập để thảo luận về tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, ngắm nhìn quang cảnh xung quanh và chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật mà họ đã xem. Đồng thời, mọi người có thể trải nghiệm nhìn ngắm quang cảnh thành phố hiện tại theo cách chưa từng có với dự án cải tạo không gian đô thị Lantau hiện đang được đẩy mạnh triển khai.
Chi tiết cửa sảnh chính mô phỏng cấu trúc cửa truyền thống Tử Cấm Thành Bắc Kinh
Ánh sáng trang trí nội thất khu vực trần sảnh chính bên trong công trình
Từ các không gian sảnh tiếp cận chính và phụ, du khách sẽ di chuyển đến không gian sảnh trung tâm đóng vai trò như một quảng trường lớn trong nhà với không gian thông tầng cao từ tầng trệt đến tầng mái. Đây nơi có thể tổ chức nhiều hình thức trưng bày sắp đặt và cũng như các hoạt động biểu diễn vũ điệu văn hóa truyền thống. Cách thiết kế bố trí các không gian ngăn chia theo cách thức mở cũng góp phần tạo sự ấn tượng cho phần không gian này để khơi gợi lại hình ảnh những cánh cổng trong kiến trúc truyền thống của khu vực Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc). Ngoài ra, nếu không có các hoạt động triển lãm trưng bày, du khách có thể sử dụng các bậc dốc để thư giãn, trò chuyện và tìm hiểu về các hiện vật triển lãm độc đáo đang được trưng bày.
Chi tiết cấu trúc mái nhẹ trang trí trần bên trong nội thất không gian sảnh thông tầng trung tâm
Chi tiết cấu trúc nhôm công nghệ cao ốp trang trí hoàn thiện vách mặt bên nội thất sảnh thông tầng trung tâm bên trong công trình
Chi tiết cấu trúc trang trí mặt tường vách sảnh cầu thang công trình
Điểm nhấn chính bên trong nội thất sảnh thông tầng trung tâm của công trình chính là cấu trúc trần trang trí bằng đồng nhấp nhô làm nổi bật không gian, gợi nhớ đến những cấu trúc mái dát vàng của các Cung điện Hoàng gia Tử Cấm Thành Bắc Kinh. Để đảm bảo sự bền vững tổng thể, cấu trúc trần trang trí này được thiết kế liên kết với một cột sống lưu thông kéo dài toàn bộ chiều cao của tòa nhà, tăng cường kết nối theo chiều dọc và mang ánh sáng tự nhiên từ trên cao xuống. Trong ý tưởng thiết kế chung, cấu trúc trần hoạt động như một yếu tố định hướng và điêu khắc, tạo thêm điểm nhấn cho bảng màu tinh tế của không gian nội thất với nền cảnh nội thất lớn là đá, tường xây và sàn bê tông đánh bóng.
Nội thất không gian sảnh tầng 1 công trình
Nội thất sảnh tầng 2 công trình
Nội thất không gian sảnh cầu thang từ tầng trên cùng
Nằm trên các tầng khác nhau của công trình, không gian phòng trưng bày cố định bên trong bảo tàng có quy mô lên tới 7.800 mét vuông được bố trí liên hoàn giúp du khách có thể đảm bảo tuyến tham quan giữa các phòng chủ đề liên tục và liền mạch. Đồng thời, không gian nội thất bên trong bảo tàng cũng được thiết kế bao gồm một khán phòng đa năng 400 chỗ, nơi tổ chức các chương trình công cộng và chiếu phim, cũng như các phòng chức năng (hành chính, phụ trợ), nhà hàng và cửa hàng ở tầng trệt tạo nên một góc cạnh năng động cho Công viên Nghệ thuật và các lối đi bộ bên bến cảng.
Ánh sáng tự nhiên tràn ngập bên trong không gian nội thất sảnh thông tầng
Không gian trưng bày đồ tạo tác trang và tượng điệu khắc bên trong bảo tàng
Không gian trưng bày hiện vật đồ gốm cổ bên trong bảo tàng
Với bộ sưu tập đồ sộ tổng thể gồm hơn 900 hiện vật được di chuyển về từ Bảo tàng Cung điện Bắc Kinh trong Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc), trong đó bao gồm 160 hiện vật loại A, đây được xem là một trong những bảo tàng cổ vật có các hiện vật trưng bày độc đáo nhất tại Hồng Kong. Trong đó, các phòng trưng bày ở khu vực tầng dưới sẽ trưng bày một bộ sưu tập các đồ vật từ thời nhà Tần (226-420 sau Công nguyên) bao gồm hội họa, thư pháp, sách quý hiếm và nghệ thuật trang trí bao gồm các đồ vật bằng vàng, đồng và ngọc.
Khu vực trưng bày ứng dụng nghệ thuật trình chiếu ánh sáng công nghệ cao bên trong công trình
Hiện vật tượng gốm đất nung thời nhà Tần trưng bày bên trong bảo tàng
Hiện vật đồ tạo tác nghệ thuật Phật giáo trưng bày bên trong bảo tàng
Hiện vật áo bào hoàng gia trưng bày bên trong bảo tàng
Trong giai đoạn khai mạc và mở cửa lần đầu cho công chúng dịp cuối năm 2022, không gian trưng bày chủ đề: Hội họa và thư pháp Trung Quốc sẽ trưng bày 35 tác phẩm quý hiếm và mang tính biểu tượng có từ thời nhà Đường và nhà Tống. Những tác phẩm này bao gồm bức họa Lạc Hà tiên nữ (bản sao của Bắc Tống) miêu tả câu chuyện tình lãng mạn giữa hoàng tử Tào Chỉ và tiên nữ trong thời Tam Quốc, bức tranh hùng vĩ Thu sắc sơn hà, cũng như tác phẩm thư pháp Sao chép. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các đồ vật quý giá được trưng bày có nguồn gốc từ Tử Cấm Thành trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh được trưng bày trong 03 không gian chuyên đề gồm: “Bước vào Tử Cấm Thành: Kiến trúc, Bộ sưu tập và Di sản”, “Từ bình minh đến hoàng hôn: Cuộc sống trong Tử Cấm Thành” và “Chạm trán uy nghiêm: Chân dung các Hoàng đế và Hoàng hậu nhà Thanh” đặc biệt nhất là bộ triều phục của Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh, cũng như con dấu hoàng gia với một con rồng cuộn. Cùng với đó, 02 không gian trưng bày khác theo chủ đề: “Đất sét thành kho báu: Đồ gốm từ Bộ sưu tập Bảo tàng Cung điện” và “Tìm kiếm tính nguyên bản: Thiết kế đương đại và Thủ công truyền thống trong đối thoại”, lần lượt trưng bày các đồ tạo tác lịch sử và thủ công mỹ nghệ sáng tạo và cho phép bạn khám phá vẻ đẹp của đồ thủ công Trung Quốc từ quan điểm khác nhau.
Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt hiện đại trưng bày bên trong bảo tàng
Tác phẩm tượng sắp đạt kết hợp công nghệ trình chiếu kỹ thuật số trưng bày tại bảo tàng
Trẻ em và khách tham quan nhiều lứa tuổi hào hứng tham gia các hình thức trải nghiệm công nghệ số tại bảo tàng
Trong khi đó, một phòng trưng bày theo chủ đề trên tầng 04 sẽ là nơi bảo quản lưu giữ và trưng bày các hiện vật mới được luân chuyển, cũng như các hiện vật đang trong quá trình giám tuyển, cũng như các triển lãm trải nghiệm sử dụng khai thác các thế mạnh của công nghệ thực tế ảo và cống nghệ số. Đồng thời, đây cũng là nơi trưng bày các kho báu từ các quốc gia khác nhau - bao gồm cả các vật trưng bày từ Louvre trong cuộc triển lãm khai mạc - đối thoại với các kho báu từ Bắc Kinh. Cụ thể, có hai phòng trưng bày theo chủ đề: “Private to Public: The History of Chinese Art Collecting in Hong Kong” - khảo sát hơn một thế kỷ sưu tập nghệ thuật Trung Quốc trong thành phố và nêu bật lịch sử phát triển bảo tàng địa phương và chủ đề “No Boundaries: Reinterpreting the Palace Museum Culture” giới thiệu sáu tác phẩm mới của các nghệ sĩ đa phương tiện và liên ngành địa phương nhằm diễn giải lại nghệ thuật và văn hóa của Tử Cấm Thành từ một góc nhìn mới mẻ.
Nguyễn Thị Hải Vân
Bảo tàng Lịch sử quốc gia