Khủng hoảng kinh tế vẫn chở đồ từ châu Âu về
Nhiều tư liệu ảnh đã được công bố trong trưng bày Từ nhà Bác cổ đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khai mạc sáng 18.11 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội. Đó là những hình ảnh suốt 90 năm lịch sử, kể từ khi nhà Bác cổ cũng là Bảo tàng Louis Finot ra đời dưới thời Pháp thuộc, sau đó chuyển giao cho chính quyền VN, và tới nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết sau 90 năm công trình kiến trúc này vẫn giữ đúng chức năng và giá trị kiến trúc, công năng sử dụng. “Bản thân công trình đã trở thành di sản quý giá, chứa đựng khối di sản giá trị xứng tầm giá trị kiến trúc”, ông Đoàn đánh giá.
Bà Indira Gandhi (Nehru) thăm Bảo tàng Louis Finot ngày 17.10.1954
Công trình do các kiến trúc sư Ernest Hébrard và Charles Batteur thiết kế, khởi công xây dựng năm 1926, khánh thành và đi vào hoạt động năm 1932. Ban đầu, chức năng chính của bảo tàng dùng để trưng bày những sưu tập hiện vật nghệ thuật châu Á có được qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ của Viện Viễn Đông Bác cổ. Năm 1958, Chính phủ VN chính thức tiếp quản công trình này và chuyển đổi thành nội dung trưng bày về lịch sử VN.
TS Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), đã công bố nhiều tư liệu liên quan đến Bảo tàng Louis Finot xưa. Theo TS Philippe Le Failler, dự án xây bảo tàng được phê duyệt trong thời điểm kinh tế hưng thịnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã ảnh hưởng nặng nề đến Đông Dương ngay từ năm 1930 - 1931, và làm cạn kiệt tài chính thuộc địa. Các dự án lớn và tốn kém gặp phải các vấn đề về tài chính. “Vào năm 1931, bảo tàng vẫn chưa hoàn thành, những chiếc tủ trưng bày bằng kim loại được đặt hàng từ châu Âu đã đến Hà Nội vào tháng 12 và đã được lắp ráp ngay cũng như thêm kính”, ông cho biết.
Phòng trưng bày trống đồng, tại 1 bảo tàng Louis Finot, tháng 5.1957
Cũng theo ông Philippe Le Failler, bảo tàng được khánh thành vào ngày 17.3.1932, buổi lễ diễn ra dưới sự chủ trì của Toàn quyền Pasquier. Sau bài phát biểu, Georges Cœdès, Giám đốc EFEO, công bố tấm đá cẩm thạch trên trán tường của bảo tàng có khắc tên Musée Louis Finot để tỏ lòng kính trọng với nguyên giám đốc của viện. Báo cáo khánh thành được viết bằng 5 thứ tiếng: Pháp, Việt, Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Năm 1945, Sắc lệnh số 65 ngày 23.11 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đông Dương Bác cổ Học viện, thay thế EFEO nhưng vẫn giữ nguyên nhiệm vụ và các điều kiện tương tự trước đây. Năm 1954, các bộ sưu tập ảnh của bảo tàng vào năm này cho thấy bảo tàng Finot lúc đó là điểm đến trong chương trình của tất cả các phái đoàn sang thăm chính thức. Qua các bức ảnh, ta thấy chuyến thăm của bà Indira Gandhi, con gái của Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlai Nehru, vào tháng 10.1954; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến thăm triển lãm của bảo tàng.
Sau này, EFEO tới VN và di sản của Viện chính thức được bàn giao cho VN vào ngày 7.10.1958, sau đó lấy tên là Bảo tàng Lịch sử VN. Người ta ước tính hơn một nửa số hiện vật trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN đến từ Bảo tàng Finot. Bảo tàng Lịch sử VN sau này hợp nhất với Bảo tàng Cách mạng VN và thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay.
Nhóm hiện vật từ Mỹ trở về
Tu bổ “siêu hiện vật sống”
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đánh giá rất cao tòa nhà bảo tàng. Theo ông, sau 90 năm tồn tại, tòa nhà ngày càng chứng tỏ nó không chỉ là nơi chứa và bày di vật lịch sử. “Nó hoàn toàn xứng đáng là đối tượng thứ hai trong sự phát huy bảo tàng”, ông chia sẻ. Nói cách khác, GS Kính coi tòa nhà như một “siêu hiện vật sống”.
Ký họa bảo tàng mới của Viện Viễn Đông Bác cổ tài triễn làm quốc tế các nước thuộc địa, Paris, Pháp, năm 1931
Ông Kính bày tỏ, đã đến lúc thực hiện một đợt tu bổ và nâng cấp tòa nhà bảo tàng, y hệt như chúng ta đã thực hiện ngót 30 năm trước với Nhà hát Lớn TP.Hà Nội. “Tu bổ theo nguyên tắc và bài bản đối với di tích kiến trúc: cải thiện tình trạng kiến trúc và tình trạng kỹ thuật của công trình; hoàn trả lại những đặc điểm và giá trị nó từng có; loại bỏ những bổ sung và thay đổi sau này làm sai lệch công trình ở dạng ban đầu; khôi phục và nhấn mạnh môi trường bao quanh công trình; khai mở vai trò của nó trong đô thị hiện hữu”, ông Kính phân tích.
GS Kính còn đưa ra ý kiến về việc thử nhìn nhận lại hệ thống trưng bày đã hình thành cách nay khá lâu. “Trưng bày tại bảo tàng lịch sử nên nghiêm cẩn, trang trọng và cả sang trọng. Phải khác xa với cách thức trưng bày triển lãm, các thủ pháp của những showroom. Những bổ sung ở dạng cột trụ giả, vách và trần giả, trang trí mô phỏng… chỉ làm giảm tính nghiêm túc của trưng bày, giảm tính ổn định trong thời gian của nó. Hãy để cho hiện vật tự nó nói về mình trong không gian chắt lọc”, ông Kính nêu quan điểm.
TRINH NGHUYỄN