Ứng dụng công nghệ vào trưng bày trong bảo tàng không phải là hướng đi mới, nhưng trước ảnh hưởng của dịch bệnh, hướng đi này là giải pháp tối ưu để bảo tàng tại TPHCM tự gỡ khó.
Tham quan container tái hiện mô hình 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ
Công nghệ để tái hiện chân thật nhất
Một container đặt ngoài trời tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (28 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3), khiến khách tham quan đi từ tò mò đến thích thú. Bên trong container, tái hiện không gian giam giữ những người Việt Nam yêu nước trong thời kỳ chiến tranh. Hình ảnh, hiện vật về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, được thể hiện thông qua các màn hình cảm ứng hiện đại để du khách có thể truy cập và tìm hiểu sâu hơn thông tin trưng bày.
Lướt màn hình để đọc các thông tin thật chi tiết, Phan Thiên Thư (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Màn hình cảm ứng rất nhạy, thông tin cụ thể làm mình có cảm nhận như một kho tư liệu thu nhỏ. Tôi nghĩ, nếu các bạn sinh viên ngành bảo tàng, hay học sinh tham quan và làm bài thu hoạch ngoại khóa sẽ rất tiện, vì chỉ cần lướt qua màn hình sẽ cung cấp rất nhiều tư liệu lịch sử”.
Trưng bày chuyên đề “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến (1954-1975)” và “Nạn nhân chế độ lao tù trong chiến tranh Việt Nam” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách tham quan. Tìm hiểu về thông tin và hình ảnh khám Chí Hòa xưa, nơi giam cầm tù nhân vô cùng hà khắc, Đỗ Khắc Hoàng (32 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Tôi từng nghe ông bà thế hệ trước có kể về khám Chí Hòa nhưng thật sự tôi không biết chỗ ấy như thế nào và nằm ở đâu. Nay đọc thông tin ở đây, đúng là bổ sung thêm cho mình kiến thức lịch sử”.
Để khách tham quan cảm nhận chân thật nhất, căn phòng cuối của container, không gian hoàn toàn không có ánh sáng, khách tham quan bước qua một khe hẹp tái hiện “chuồng cọp” - địa ngục trần gian xưa kia. Xen lẫn trong không gian tối, hẹp và ngột ngạt được tái hiện như nơi giam cầm có tiếng rên la của tù nhân, tiếng đàn áp, tra tấn của cai ngục qua màn hình phim 3D, mang lại cảm giác mạnh cho người xem.
Bên cạnh mô hình mô phỏng lại và màn hình công nghệ, những hiện vật trưng bày đi kèm cũng mang lại nhiều xúc động cho người xem. Như chiếc khăn quàng cổ của nữ tù Nguyễn Thị Quế đan tặng cho chồng là tử tù Phạm Quang Hồng trong thời gian bị giam cầm tại khám Chí Hòa, đuôi của chiếc khăn khi thắt lại là hai quả tim quyện chặt vào nhau…
Quan trọng là sự phù hợp
Ngoài container mô phỏng nhà tù, bảo tàng còn áp dụng trình chiếu hình ảnh 3D, công nghệ quét mã QR bằng máy ảnh điện thoại, để người xem tự trải nghiệm, tự tìm hiểu thông qua ngôn ngữ tự chọn khi đến với bảo tàng.
Để đón khách trong tình hình dịch bệnh vẫn còn, bảo tàng kết hợp cùng công ty công nghệ để triển khai tour online và giao lưu trực tuyến. Thông qua các thiết bị như điện thoại, máy tính, máy tính bảng… du khách mua tour online bắt đầu buổi tham quan trực tuyến trong khoảng 45 phút, giới thiệu khái quát về các nội dung trưng bày của bảo tàng. Trong tour online, khách xem có thể hỏi đáp trực tuyến với hướng dẫn viên và giao lưu với nạn nhân chất độc da cam. Tính đến hiện tại, bảo tàng đã đón được 8 đoàn khách tham quan online từ Nhật Bản.
Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Châu Phước Hiệp chia sẻ: “Các công nghệ mà bảo tàng áp dụng chưa phải là hiện đại nhất, nhưng phù hợp và mang lại hiệu quả. Chúng tôi cũng không dám đặt ra mục tiêu quá lớn trong việc bán tour online có thể giúp doanh thu bảo tàng khả quan hơn trong mùa dịch. Nhưng việc đón khách online và giao lưu trực tuyến giúp bảo tàng duy trì hoạt động, vẫn quảng bá được hình ảnh bảo tàng Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách đến bảo tàng giảm đáng kể. Trong thời gian đó, đội ngũ nhân viên bảo tàng tập trung sưu tầm, tổng hợp tài liệu và nghiên cứu mô hình công nghệ. “Để việc số hóa thuận lợi, thì đòi hỏi nguồn tư liệu thực tế phải phong phú, từ đó đưa vào số hóa mới có thể đa dạng nội dung. Công nghệ luôn cải tiến từng ngày từng giờ, công nghệ mới nhất cũng chưa chắc sẽ mang lại hiệu quả, cốt yếu vẫn là ứng dụng công nghệ phù hợp với nội dung trưng bày của bảo tàng”, ông Châu Phước Hiệp chia sẻ thêm.
Ứng dụng công nghệ là hướng đi không thể khác và là cách để gỡ thế khó cho bảo tàng hiện nay, tuy nhiên để mang lại hiệu quả thật sự, trước hết sự phong phú của tư liệu để đưa vào số hóa là điều then chốt.
Một trải nghiệm khác cũng mang đến cảm giác mạnh cho khách tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là ở khu vực cảm ứng chuyển động của bảo tàng. Khi du khách bước vào, tiếng nổ của các loại bom sử dụng trong các thời kỳ kháng chiến cũng được tái hiện lại một cách sinh động, ấn tượng. |
Để được tư vấn về các giải pháp Bảo tàng số, Bảo tàng 360, Bảo tàng tương tác, Bảo tàng công nghệ,..., hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline