489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Bảo tàng gốm cổ vớt lên từ đáy sông Hương

Bảo tàng gốm cổ vớt lên từ đáy sông Hương

Bảo tàng nằm trong khuôn viên từ đường họ Thái ở đường Nguyễn Phúc Nguyên (phường Hương Long, TP Huế). Bước qua căn cổng đầy cổ kính rêu phong là ba gian nhà rường cổ thơ mộng đậm chất Huế.

Khoác lên mình bộ áo dài trang nhã, GS.TS Thái Kim Lan dẫn khách vào bên trong một gian nhà rộng rãi, nơi bà đặt bộ sưu tập với hàng ngàn hiện vật là gốm, sành, đĩa, chén... được trục vớt từ dưới lòng sông Hương.

Bảo tàng gốm cổ vớt lên từ đáy sông Hương - Ảnh 2.

Bảo tàng gốm cổ sông Hương hiện có hơn 5.000 cổ vật, trong đó có không ít những tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt - Ảnh: NHẬT LINH

Đến nơi nghe sông Hương kể chuyện

Cầm trên tay chiếc bình vôi nhỏ nhắn, bà Thái Kim Lan kể rằng cuối cùng tâm nguyện của bà cũng đã thành hiện thực, khi không gian này được tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận trở thành bảo tàng gốm cổ sông Hương.

Hơn 30 năm về trước, trong một lần dạo quanh phố Huế, bà cùng anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá bị hớp hồn bởi chính những chiếc bình vôi nhỏ nhắn xinh xinh được người ta bán dọc vỉa hè như vậy.

"Hỏi ra mới biết những chiếc bình vôi, bình gốm, đĩa sành đó được người dân lặn vớt dưới lòng sông Hương. Không ngờ sông Hương - nơi gắn liền với tuổi thơ của tôi lại chất chứa những hiện vật với nhiều giai đoạn lịch sử như vậy. Tôi cùng anh trai lấy làm thích thú và bắt đầu nhập cuộc sưu tầm những cổ vật lòng sông từ đây" - GS.TS Thái Kim Lan kể.

Từ đó, những cổ vật được vớt dưới lòng sông được bà Lan và cố họa sĩ Thái Nguyên Bá đi khắp nơi sưu tập. Khi thì từ những người bán dạo ở vỉa hè, khi thì trực tiếp đến xem những người thợ lặn tận dưới lòng sông để mua về.

Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ lòng sông của bà Thái Kim Lan đã có trên 5.000 cổ vật, trong đó có không ít những tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt.

Bảo tàng gốm cổ vớt lên từ đáy sông Hương - Ảnh 3.

Du khách đến tham quan bảo tàng gốm cổ sông Hương sẽ được khuyến khích sờ vào hiện vật trưng bày - Ảnh: NHẬT LINH

Trong không gian mở choáng ngợp với những gốm sứ, lu, sành... được phô bày rộng rãi, chúng tôi bất chợt chú ý đến một góc nhỏ những chiếc bình vôi, chén sứ được đặt trong một lớp tủ kính trang trọng.

Hiểu được sự tò mò của vị khách, TS Thái Kim Lan liền mở lời giới thiệu đó là bộ sưu tập gốm cổ của cố nhà nghiên cứu văn hóa Huế Hồ Tấn Phan. Bà Lan kể rằng nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan là một "đối thủ" đặc biệt dễ thương trong cuộc "ganh đua" sưu tập cổ vật sông Hương.

"Bác Phan cũng là một người Huế vô cùng yêu sông Hương và tham gia sưu tập đồ cổ dưới lòng sông cùng tôi và anh Bá", bà Lan kể.

Thế rồi cả hai vị tiền bối là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đều mang trong mình ước nguyện dang dở là lập một bảo tàng cổ vật sông Hương.

Sau khi ông Phan mất, bà Thái Kim Lan may mắn đã sưu tập được một số cổ vật trong bộ sưu tập gốm cổ sông Hương đồ sộ của cố nhà nghiên cứu và nay được đưa ra trưng bày, giới thiệu với công chúng ở một góc trang trọng nhất.

Khuyến khích sờ nắm hiện vật

GS.TS Thái Kim Lan đang cùng các cộng sự sắp xếp lại các gian trưng bày tại bảo tàng. Sau khi khai trương vào đầu năm 2022, bảo tàng sẽ được chia làm ba không gian trưng bày chính gồm: không gian Đi tìm thời gian đã mất, không gian Sông Hương kể chuyện và không gian Gốm cổ trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người xưa.

Theo GS.TS Thái Kim Lan, sắp tới bảo tàng sẽ sử dụng những công nghệ trưng bày, thuyết minh hiện đại nhất như thuyết minh tự động, sử dụng QR code, bảo tàng ảo... để du khách có thể tự trải nghiệm, tự tìm hiểu những câu chuyện của các cổ vật đại diện cho những lớp trầm tích đáy sông. Đây cũng là cách để những người xây dựng bảo tàng gốm cổ sông Hương đưa những hiện vật mà mình đang có ra giới thiệu với thế giới, trên nền tảng số.

TS Nguyễn Anh Thư (khoa di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội) - người đảm nhận việc trưng bày, sắp xếp và số hóa của bảo tàng - cho biết điểm khiến bảo tàng gốm cổ sông Hương khác với các bảo tàng khác ở chỗ khuyến khích người đến xem sờ nắm vào hiện vật.

Theo TS Thư, việc người xem được cầm trên tay những chiếc bình vôi, mảnh sành không chỉ giúp họ hiểu thấu được vẻ đẹp thẩm mỹ của cha ông xưa mà còn cảm nhận được lớp trầm tích lưu lại trên từng món đồ.

Bảo tàng gốm cổ vớt lên từ đáy sông Hương - Ảnh 5.

GS.TS Thái Kim Lan bên gian trưng bày chính của bảo tàng gốm cổ sông Hương - Ảnh: NHẬT LINH

"Cầm nắm, sờ vào hiện vật là cách mà theo chúng tôi có thể truyền tải văn hóa trực tiếp và nhanh nhất. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giáo dục, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu hơn các giá trị văn hóa xưa thay vì chỉ đi tới bảo tàng, ngắm nghía qua loa mà không đọng lại gì nhiều cho du khách thưởng lãm", TS Thư chia sẻ.

Nhật Linh 

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ