Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM nằm trong khuôn viên khoảng 3.500 m2, ở góc đường Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình và Lê Thị Hồng Gấm. Công trình xây dựng năm 1929, gồm ba tòa trong đó tòa nhà chính xây hình chữ U, ban đầu là nơi sinh sống của gia đình ông Huỳnh Văn Hoa (Hui Bon Hoa, 1845 -1901), một thương nhân người Hoa, người Sài Gòn quen gọi là Chú Hỏa.
Năm 2021, công trình được xác định hư hỏng, nứt tường, trần ở các khối nhà chính, sụp lún, bong gạch lát ở sân, tường rào bị lún nghiêng, song chưa thể tôn tạo do thiếu kinh phí. Ngày 10/5, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc bảo tàng cho biết đã trình kiến nghị trùng tu tất cả hạng mục ở phía trong và ngoài của di tích này để thành phố lập phương án.
Dinh thự xây kiên cố với bốn tầng, trang trí theo phong cách kiến trúc Đông – Tây kết hợp. Tòa nhà có 99 cánh cửa lớn nhỏ, mỗi cửa mang phong cách kiến trúc.
Một số mảng sơn tường và trần của bảo tàng bị bong tróc. Cuối năm ngoái, một phần tòa nhà ở góc đường Nguyễn Thái Bình được sơn lại theo màu cũ để sử dụng tạm thời.
Nhiều lớp mái tòa nhà lợp tạm bằng tôn hoặc bị vỡ mất một phần ngói.
Bên trong dinh thự gồm nhiều gian, được xây theo kết cấu vòm chịu lực. Nội thất sảnh của tòa nhà có những trang trí hoa văn đắp nổi trên trần, mỗi gian đều lắp đèn chùm kiểu Pháp. Chính giữa lối vào là cảnh cửa sắt có chứa thang máy đầu tiên của Sài Gòn.
Thang máy là sản phẩm của châu Âu nhưng được làm bằng gỗ, bên trong bài trí, chạm trổ như một chiếc kiệu của quan.
Sau năm 1975, gia đình ông Huỳnh Văn Hoa sang nước ngoài định cư. Năm 1987, tòa nhà được làm bảo tàng mỹ thuật, nhưng đến năm 1992 mới mở cửa phục vụ khách. Hiện, bảo tàng trưng bày hơn 21.000 hiện vật, chia thành hai mảng là mỹ thuật cổ, thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật đương đại.
Trong những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, nổi bật là bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Đây là tác phẩm được họa sĩ sáng tác lâu nhất, từ năm 1969 đến 1989 mới hoàn thành, có kích thước lớn 200 x 540 cm, được công nhận “bảo vật quốc gia” năm 2013.
Năm 2012, bảo tàng được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố, mỗi năm thu hút hơn 200.000 lượt khách. Đây là một trong 31 di tích văn hóa, lịch sử của thành phố dự kiến được tu sửa đến năm 2025.
Nguồn: VnExpress.com