489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Chuyển đổi số giúp ích cho các doanh nghiệp Việt như thế nào

Chuyển đổi số giúp ích cho các doanh nghiệp Việt như thế nào

 

11h40
Các ngân hàng Việt gia nhập xu hướng chuyển đổi số 

Tại phòng Toạ đàm chủ đề chuyển đổi số trong ngân hàng, điều phối viên đặt câu hỏi cho bà Tú Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam NAPAS về câu chuyện "phí xa lộ".

Bà Tú Anh, cho biết, bản thân Napas cũng cần thay đổi, để hỗ trợ tốt nhất cho các ngân hàng. "Việc của NAPAS là cung ứng hạ tầng. Bài toán của NAPAS là tạo ra xa lộ mà trên đó các giao dịch thanh toán số chạy ra thông suốt và an toàn. Về phí, NAPAS đang có kế hoạch đưa ra cơ cấu phí chuyển đổi mới để chia sẻ với các ngân hàng", bà cho biết.

tu-anh-napas-1660-1574319323.jpg

Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch NAPAS.

Điều phối viên đặt câu hỏi: khi phụ trách bán lẻ, làm thế nào để khi phát triển sản phẩm hoặc một app không có cảm giác bắt chước người khác. Trả lời vấn đề này, ông Phùng Duy Khương - Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, ngành ngân hàng hay bất cứ dịch vụ nào cũng cần có nguồn nhân sự chạm đến khách hàng. Hành trình số hoá không thay thế hoàn toàn con người nhưng biến đổi để tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Về phía Vietinbank, Phó tổng giám đốc Trần Công Quỳnh Lân cho biết: "Trong quá trình thực hiện, chúng ta không thể phân biệt kinh doanh và công nghệ mà cần tạo ra những sản phẩm chung là một KPI vànhanh chóng đưa được sản phẩm nhiều tính năng ra thị trường nhất, chịu trách nhiệm chung về bán sản phẩm".

Tran-Cong-Quynh-Lan-7003-1574319323.jpg

Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank.

Nói về điều sợ nhất trong ngành, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, sợ nhất là sản phẩm sau khi hoàn thiện lại không được sử dụng vì một số vẫn đề ngoại cảnh nào đó. Ông Phùng Duy Khương - Phó tổng giám đốc VPBank cho rằng, thông qua công nghệ số sẽ có sự hoán đổi vị thế cạnh tranh trong cùng một ngành, làm cách nào để cân đối 'lấy ngắn nuôi dài", đảm bảo lợi nhuận năm nay nhưng vẫn có thể duy trì vị trí. Trong khi đó, ông Huỳnh Bửu Quang - Tổng giám đốc MSBank thì cho rằng, trong ngân hàng, cần thống nhất giữa công nghệ và kinh doanh, cùng thực hiện kỳ vọng của yêu cầu, cùng chịu trách nhiệm rồi thành lập đội triển khai, đảm bảo khi đưa vào vận hành sẽ có đội đánh giá. . 

 
 
11h30
Xe tự hành 'Made in Vietnam' tại FPT Techday 2019

Song song với các hoạt động diễn ra bên trong khán phòng, ở bên ngoài, các khách mời có nhiều hoạt động khác để trải nghiệm. Diễn đàn FPT Techday 2019 có điểm nhấn lần đầu tiên xuất hiện là xe tự hành do Tập đoàn FPT phát triển. Nhiều khách mời được trải nghiệm xe tự hành từ khâu đặt xe qua smartphone đến thử cảm giác đi xe không cần tài xế. 

11h25
'Chỉ nên chuyển đổi số khi đủ nguồn lực'

Ông Nguyễn Thanh Đạm, Giám đốc CNTT Trung Nguyên chia sẻ về thách thức, khó khăn của doanh nghiệp này khi chuyển đổi, tích hợp hệ thống trên cloud. Đại diện Trung Nguyên cho biết tiến trình của doanh nghiệp bắt đầu từ số hoá, tin học hoá, chuyển đổi số, cần sự liên tục đầu tư và tái đầu tư, đi cùng quản lý.

Năm 2011, Trung nguyên đầu tư hệ thống CNTT lớn. Sau 5, 6 năm sử dụng, hệ thống bắt đầu có vấn đề, đặt ra bài toán về bảo trì, bảo dưỡng hay nâng cấp, thay mới. Sau khi cân nhắc, so sánh về chi phí, Trung Nguyên quyết định chuyển đổi sang cloud.

nguyen-thanh-dam-5889-1574313970.jpg

Ông Nguyễn Thanh Đạm từ Trung Nguyên.

Thách thức thứ 2, theo đại diện Trung Nguyên, còn đến từ việc tích hợp hệ thống. "Trung Nguyên là một công ty tiêu dùng nhanh có nhiều hệ thống, từ sản xuất, phân phối, bán lẻ... mỗi hệ thống chuyển lên một đám mây khác nhau gặp nhiều khó khăn", ông Đạm nói.

Còn bà Kiều Ngọc Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương Mại Cơ khí Tân Thanh có cái nhìn về chuyển đổi số dựa trên chính những trải nghiệm của mình tại công ty gia đình. Khi trở về Việt Nam, bà Phương nhận thấy quy trình vận hành của Tân Thanh quá chậm chạp và thiếu chính xác. "Báo cáo kinh doanh rất quan trọng nhưng lại tập hợp vào cuối tháng khi mọi vấn đề được quyết định xong rồi. Con số trên giấy tờ không có ý nghĩa và không thể thay đổi", bà Phương nói. 

co-khi-tan-thanh-9156-1574313970.jpg

Bà Kiều Ngọc Phương. 

Kinh nghiệm học tập và làm việc ở một số doanh nghiệp nước ngoài khiến bà Phương hiểu rằng chuyển đổi số là cách sống còn. Sau đến 4 năm thuyết phục gia đình, nghiên cứu, năm 2017, Tân Thanh quyết định đầu tư chuyển đổi số. Công ty cũng đặt ra mục tiêu tăng doanh số theo nhiều chặng từ ngắn đến dài hạn để chuyển đổi số chính xác. 

"Cũng giống như việc giảm cân theo từng ngày, từng tuần, thì câu chuyện thay đổi của Tân Thanh những ngày đầu cũng chia nhỏ như vậy. Tôi khuyên các doanh nghiệp chỉ nên chuyển đổi số nếu cần và đủ nguồn lực", bà Phương nói. 

 
 
11h08
Chuyển đổi số đã giúp VNPost, Masan đi lên như thế nào

Bước vào phiên thảo luận, điều phối viên - Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS đặt ra câu hỏi cho các khách mời tham gia về chiến lược và mục tiêu chuyển đổi số của từng doanh nghiệp.

Đại diện VNPost giới thiệu, doanh nghiệp này thuộc sở hữu Nhà Nước, gần tròn 100 tuổi, cơ cấu lao động già, nhiều phụ nữ, mạng lưới hoạt động tại các huyện xã. Những năm gần đây, nhận thấy những lĩnh vực cốt lõi như bưu chính, bán lẻ... bị cạnh tranh "tơi bời" trước làn sóng Fintech, ngân hàng điện tử, ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu chuyển đổi số, dựa trên các framework của nước ngoài, đưa vào vận hành công nghệ mới, dữ liệu IoT. 

Ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Ông Đinh Toàn Thắng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Kết quả năm ngoái, doanh nghiệp đạt doanh thu 1 tỷ USD, cán mục tiêu đề ra trước 2 năm, lãi 300 đến 400 triệu. Cuối năm ngoái, VNPost nhận ra 3 lĩnh vực đang bị cạnh tranh tơi bởi, bán lẻ, bưu chính, ngân hàng, fintech.

"Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số với phương châm nghĩ lớn", đại diện VNPost nói.

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Nguyên, Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Masan cho hay: "Không nhiều người biết cái tên Masan nhưng lại rất rõ các gói mỳ, chai mắm, xì dầu như Omachi, Ba Miền, Chin Su".

Về vấn đề Masan đã làm để phát triển, ông Nguyên cho rằng không có cách nào khác ngoài thay đổi và tự hoàn thiện. Đối với Masan, thương hiệu là quan trọng nhất. Có thương hiệu là có tiền. Masan đã trải qua 3 lần chuyển đổi số từ năm 2013 là "ở đâu", đảm bảo các cửa hàng của Masan lúc nào cũng phải có hàng trên kệ.

toa-dam-phong-thanh-1422-1574312533.jpg

Đại diện Masan (giữa) nói tại Toạ đàm. 

Đến năm 2015, chiến dịch chuyển thành "chất lượng". Mỗi năm Masan sản xuất 2 tỷ gói mỳ, nửa tỷ chai nước mắm, xì dầu phải có chất lượng tương đương nhau. Mọi khâu phải trơn tru, vận hành xuyên suốt. Cuối cùng vì là công ty hàng tiêu dùng nên Masan quay trở về với tôn chỉ quan trọng nhất vẫn là "giá cả phù hợp". Masan kiểm soát mỗi đồng tiền phải tự "làm việc" để tạo ra giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp. 

"Chặng đường 3 năm này với Masan đều thành công", ông Nguyên nói.

Masan đưa hệ thống báo cáo thông minh vào để cá nhân hoá dữ liệu chứ không bình quân hoá. "Khi Alibaba vào Việt Nam, không chỉ Masan, mà hầu hết các công ty bán hàng đều sợ, chúng tôi có thể còn sản phẩm, còn nhà máy, còn công nhân nhưng mất khách hàng. Masan quyết định bước ra và xây dựng thương hiệu rõ rệt cho các sản phẩm để bước ra khỏi nhà kho, cửa hàng, tiếp cận 26 triệu hộ dân Việt Nam. Làn sóng thay đổi thứ 3 mà Masan thực hiện là đi bắt tay với cá doanh nghiệp lớn của Việt Nam, để chính mình cũng lớn hơn", ông Nguyên nói. 

 
 
11h00
Hành trình chuyển đổi ngân hàng số của TPBank

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) nhận định, một lãnh đạo của doanh nghiệp phải là lãnh đạo số trong thời đại số. Sau thời gian ứng dụng công nghệ, TPBank cho biết đã có được những thành tựu nhất định về mặt công nghệ. 

nguyen-hung-TPBank-2880-1574310542.jpg

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank.

TPBank đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào gần như toàn bộ các hoạt động của ngân hàng. Trong đó có một số công nghệ đặc biệt sử dụng sâu rộng như Big Data, sinh trắc học và cổng giao tiếp mở.

Big Data đã thành công giúp ngân hàng phân tích hành vi khách hàng, lưu trữ dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc. Big Data đã được TPBank áp dụng trong việc phân tích hành vi để xem xét và phê duyệt cho vay. Trong thời gian tới, việc xét duyệt tín dụng hoặc vay tiên doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện bởi công nghệ này để mang đến hiệu quả và năng suất cao hơn. 

Ứng dụng sinh trắc học giúp TPBank xác thực khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng. Nhận diện vân tay, khuôn mặt, mống mắt được áp dựng EQIC, giúp khách hàng không phải ra quầy, không cần tương tác trực tiếp với ngân hàng, sự tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn. Với công nghệ này, tính an toàn sẽ cao hơn, tránh tối đa rủi ro lừa đảo cho khách hàng. TPBank đã ứng dụng công nghệ này tại Livebank, nhận diện khuôn mặt, vân tay, rút tiền, gửi tiền không cần chứng minh thư, không cần thẻ, không sợ bị lộ thông tin cá nhân. Sắp tới, ngân hàng sẽ ứng dụng nhận diện giọng nói khách hàng, hoặc khách hàng dùng OTP, đọc lại và nhận diện.

Open API là cổng giao tiếp thống nhất cung cấp các sản phẩm ngân hàng cho các đối tác như các ví điện tử hay ứng dụng tài chính. Các đối tác có thể lấy được thông tin để kết nối với ngân hàng một cách dễ dàng. TPBank cũng tạo ra môi trường, phong tỏa riêng một khu để các đối tác thử nghiệm hoạt động tài chính, để họ lấy thông tin về tỷ giá, lãi suất, liên kết tài khoản khi khách hàng cho phép mà vẫn đảm bảo các yếu tố pháp lý. 

Việc khởi động thông minh là rất quan trọng với ngành ngân hàng, "Chúng tôi đã khởi động từ rất lâu và hiện nay đã nhìn thấy rất nhiều lợi ích của bước đi này. Trải nghiệm số đã thấm đẫm trong các hoạt động của TPBank", đại diện TPBank nhấn mạnh.

 
 
10h52
Ông Phạm Tùng Dương - Giám đốc An ninh mạng FPT

Là đơn vị đảm bảo an toàn thông tin cho FPT và các công ty thành viên, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng FPT cho biết, đơn vị từng xử lý nhiều cuộc tấn công có chủ đích vào FPT trong những năm gần đây với các mục đích trục lợi.

khan-phong-tang-3-3-4105-1574311446.jpg

Khán giả chăm chú  theo dõi trình bày của các diễn giả. 

Ông dẫn ví dụ về 500 công ty lớn nhất của Mỹ được niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ có 100 công ty có thể đảm bảo an toàn thông tin cho công ty.  400 công ty còn lại không có khả năng chơi game này. Theo Giám đốc An ninh mạng FPT, 100 công ty có thể đảm bảo an toàn thông tin là nhờ tập trung về an toàn ứng dụng, đầu tư xây dựng giải pháp.

Riêng với FPT, tập đoàn áp dụng "Tư duy tấn công để phòng thủ hệ thống tốt hơn" trong nhiều năm. Ông Dương cho biết, các cuộc tấn công luôn rình rập, kéo dài hàng ngày, thậm chí hàng năm, chờ đợi lỗ hổng và sơ hở để tấn công chứ không chờ đợi bất kỳ sự phòng bị nào. Từ đó, FPT đã thực hiện việc chủ động tạo ra các cuộc tấn công vào chính mình để tạo ra trạng thái phòng vệ không ngơi nghỉ, chủ động đối phó với bất kỳ cuộc tấn công mạng nào, đồng thời, chuyển từ trạng thái tĩnh sang mô hình động, tâp trung vào năng lực kiểm tra, tính sẵn sàng của hệ thống an toàn.

 
 
10h48
Chi phí sản phẩm công nghệ ngày càng rẻ 

Kết quả này được ông Marc Hoelmer, Giám đốc Tư vấn Quản trị rủi ro không gian mạng, Deloitte Việt Nam cho rằng đến từ sự phát triển chung của cách mạng công nghệ 4.0. Bằng kinh nghiệm quốc tế, Marc khẳng định rằng sự phát triển của công nghệ theo cấp số nhân đã tạo ra sự đột biến trong chuỗi cung ứng. Mọi quy tắc truyền thống đều phá vỡ hoặc bị phá vỡ, theo Marc. 

deloitte-chinh-sang-2117-1574314348.jpg

Marc Hoelmer đến từ Deloitte Việt Nam.

"Chi phí thực hiện các sản phẩm công nghệ ngày càng rẻ hơn, thậm chí về mức 0 đồng bằng các nền tảng miễn phí hoặc dùng thử ngập tràn. Trên cơ sở này, khách hàng là đối tượng bị khai thác, song cũng hưởng lợi nhờ sản phẩm rẻ hơn, chi phí sở hữu hoặc thay đổi thấp", ông Marc Hoelmer nói. 

Một giai đoạn mới của việc quản lý chuỗi cung ứng kỹ thuật số hiện nay theo đại diện Deloitte là máy móc. Robot đang giúp nhiều doanh nghiệp như Amazon tăng cường mạnh mẽ hiệu suất lao động, bên cạnh sự vận hành của con người. 

Những tiến bộ kỹ thuật công nghệ đang biến các chuỗi cung ứng truyền thống phát triển thành mạng lưới cung ứng kỹ thuật số. Điều này cho phép việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, giảm thiểu chi phí và sáng tạo hơn. 

deloite-2-7385-1574309939.jpg

Khách hàng ngày càng tiếp cận thông tin qua những kênh mới với các sản phẩm mang tính đổi mới sáng tạo cao. Ông Marc lấy ví dụ về những sản phẩm bán không chạy sẽ cần các chiến dịch bán hàng, quá trình marketing hiệu quả hơn. Những doanh nghiệp có tính thích ứng cao, gọi tắt là AO là minh chứng cho sự hiệu quả trên. 

Vậy để bắt đầu quá trình chuyển đổi số, Marc Hoelmer khuyên doanh nghiệp nên tập trung vào đối tượng khách hàng, quan tâm đến những hành vi khách hàng. Bên cạnh đó, việc tích hợp việc kết nối giữa doanh nghiệp và khách hàng theo nhiều hướng, đa kênh để tiếp cận tối đa lượng khách hàng có thể. 

"Doanh nghiệp cần có tham vọng lớn. Mọi chiến dịch kinh doanh, phát triển phải triển khai thật nhanh. Công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát rủi rõ cũng như tăng hiệu quả vận hành tốt hơn cho doanh nghiệp", ông Marc Hoelmer kết luận. 

 
 
10h40
Mọi công ty đều đối mặt với rủi ro hacker tấn công

Ông Robert Trọng Trân trưởng dịch vụ tư vấn an ninh mạng EY Việt Nam nhận định về tình hình an ninh mạng trên thế giới. Theo ông, khi chúng ta càng bước sâu vào thời đại số, sẽ càng có nhiều điểm yếu trong hệ thống thông tin doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị tấn công. "Cách đây vài năm chúng ta đã bắt đầu nghe thấy một số vụ tấn công vào hệ thống thông tin khách hàng, và hoạt động này càng ngày càng nguy hiểm hơn", ông nói.

dien-gia-2392-1574311272.jpg

Ông Robert Trọng Trân.

Theo ông, cứ 100 công ty Fintech thế giới thì có đến 98 công ty có lỗ hổng về bảo mật thông tin. Với việc ngân hàng số ngày càng được áp dụng rộng rãi, nếu chúng ta áp dụng những công nghệ số này vào ngân hàng thì cũng đồng nghĩa với việc tạo lỗ hổng trong hệ thống thông tin. Đặc biệt với các sản phẩm mà sự phân quyền không chắc chắn, khả năng bị hacker tấn công thậm chí còn cao hơn. 

Nếu chúng ta dùng Machine Learning để nâng cao trải nghiệm khách hàng, Hacker cũng có thể dùng Machine Learing để tham gia và các hoạt động này ngày càng khó phát hiện hơn. Không có bất cứ một  công ty nào 100% an toàn về thông tin. Vì vậy, chúng ta buộc phải chấp nhận rủi ro khi sống trong thời đại số. 

Trước khi muốn quản lý an toàn thông tin, các công ty phải có một chiến lược bảo vệ thông tin. Mỗi khi chúng ta mua sắm trong đời sống hay sử dụng ngân hàng số vào doanh nghiệp, chúng ta phải có chiến lược bảo về thông tin là quan trọng hàng đầu và phải rõ ràng. Rủi ro về an toàn thông tin không nên là cản trở bước vào môi trường số. Chúng ta bắt buộc phải đặt an toàn số vào hoạt động của mình để cho dù sự tấn công có xảy ra, thì chúng ta cũng phải sẵn sàng và tự đặt câu hỏi bao nhiêu lâu ngân hàng có thể hoạt động bình thường.

 
 
10h36
Thực trạng chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam 

Theo ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch FPT IS, đa số doanh nghiệp hoạt động trên mô hình truyền thống, quy trình số hoá chưa được tiến hành chuyển đổi số. Một số ngân hàng đã thực hiện số hoá các quy trình nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn như: Rào cản về hành lang pháp lý chưa tương xứng với thời đại công nghệ số; khó khăn về thay đổi tư duy của ngân hàng; chưa hoàn thiện về công nghệ của các ngân hàng....

Duong-DunG-Trieu-2-6460-1574319765.jpg

Ông Dương Dũng Triều (phải).

Cũng theo ông Dương Dũng Triều, FPT đang triển khai nhiều dự án chuyển đổi số. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại sẽ là một trong những yếu tố giúp ngân hàng cải thiện nhanh chóng hoặc tạo ra sự phát triển vượt trội hơn trên các khía cạnh như:

- Gia tăng trải nghiệm khách hàng: ngân hàng có thể triển khai phân tích 360 độ khách hàng, phân tích hành vi khách hàng, sử dụng mobie banking, sử dụng thiết bị tại các chi nhánh để tự giao dịch, hợp đồng số với công nghệ blockchain...

- Gia tăng hiệu quả hoạt động điều hành và kinh doanh: tự động hoá các quy trình xử lý, cung cấp hệ thống phân tích nội bộ, tự động hoá chi nhánh, bảo mật

- Triển khai các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới

Theo đó, FPT đã thực hiện chuyển đổi số cho một số doanh nghiệp ở châu Âu, Mỹ... Tại sự kiện, Chủ tịch FPT IS cũng tư vấn các sản phẩm, dịch vụ mà FPT đề xuất cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số.

 
 
10h35
Chuyển đổi số là gì?

Nói lại việc chuyển đổi số là gì, ông Phan Thanh Sơn lý giải thế giới đã trải qua 3 giai đoạn. Các giai đoạn này, doanh nghiệp không cần lần lượt đi qua mà có thể diễn ra song song:

Digitization: chuyển dạng nguyên văn bản sang văn bản số, sử dụng máy tính, tạm gọi là quá trình tin học hoá

Digitalization: số hoá một phần quy trình tự động làm sao làm việc hiểu quả hơn, tạm gọi là số hoá.

Digital transformation: chuyển đổi số, tối ưu hoá quy trình, thậm chí thiết kế lại cả doanh nghiệp

Đại diện FPT IS đưa ra số liệu, 80% dữ liệu hiện nay chưa có cấu trúc, 50% nằm ngoài các data centre.

Trong bức tranh tổng thể, FPT hình dung Việt Nam có 4 cuộc chuyển đổi chính:

- từ mỗi cá nhân, cộng đồng sang công dân số.

- từ Chính phủ sang Chính phủ số.

- từ thành phố sang thành phố thông minh (smart city)

- từ công nghiệp (industry)/ doanh nghiệp (business) sang industry/ business 4.0

phan-thanh-son-2-chinh-sang-4714-1574312

Ông Phan Thanh Sơn.

FPT đang có chiến lược chuyển đổi số toàn diện, từ nội bộ tập đoàn, các công ty  thành viên để tìm ra những phương pháp mới, đúc kết từ các nền tảng blockchain, IoT... Thứ hai, cùng với các đối tác để tạo ra những giải pháp mới. Ông nhấn mạnh, cần có một lộ trình hoạch định từng bước, đưa vào trong cấu trúc toàn diện, kết hợp hệ thống lõi với các giải pháp FPT có thể cung cấp, áp dụng ngay.

Theo ông Sơn, chuyển đổi số là một quá trình, không phải đích đến. Ông dẫn số liệu, 43% nằm ở khám phá chuyển đổi số, 15 % đăng ký vào cuộc chơi, 25% thực sự là digital player, 4% những công ty thay đổi ngành, tạo nên ngành mới. Việt Nam,  tỷ lệ các doanh nghiệp chưa chuyển đổi số cao gấp 1,5 lần các nước trên thế giới.

Nhận định cơ hội còn rất nhiều, đai diện FPT nhấn mạnh: "cách tốt nhất để dự báo tương lai là tạo ra tương lai".

 
 
10h20
Chuyển đổi số phục vụ "nền kinh tế dữ liệu"

Tại Toạ đàm "Khởi động thông minh - Hành trình gia nhập kinh tế số", ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển Kinh doanh FPT IS, nói về câu chuyện chuyển đổi số như cuốn nhật ký ông đã trải qua. Câu chuyện là phần kể có cả quá khứ, hiện tại và tương lai. "Hơn 70% thông tin trong câu chuyện của tôi, các bạn sẽ nghi ngờ nó có thật hay không", ông Sơn vui vẻ nói. 

Theo ông Sơn, chuyển đổi số là câu chuyện được nhắc đến nhiều, và dài nhưng không mấy ai hiểu. Chuyển đổi số đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tốc độ chuyển đổi ngày càng nhanh. Mức độ ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan rộng không phân biệt quốc gia và lĩnh vực. Công nghệ thay đổi hoàn toàn cấu trúc xã hội hiện nay. 

phan-thanh-son-1-chinh-sang-2-9360-15743

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS.

"Đứng trước sự thay đổi của thời đại, chúng ta phải nhanh nhạy hơn, mạo hiểm hơn để đi trước. Chi phí để mua các sản phẩm như robot, công nghệ phần mềm ngày càng rẻ hơn. Thời gian đào thải của những sản phẩm này cũng nhanh hơn", ông Sơn đúc kết. 

Các quốc gia hiện nay đang đón nhận và vận động theo cách mạng 4.0. Ông Sơn dẫn chứng từ sự thay đổi của ngành công nghiệp của Trung Quốc. Quốc gia này thực hiện chương trình thế kỷ mang tên "Made in China", với mục tiêu đưa công nghệ Trung Quốc ra thế giới. "Như những gì đang diễn ra thì họ đã làm được. Ngoài ra còn nhiều quốc gia khác cũng thực hiện những chính sách tương tự như Đức, Ấn Độ", ông Sơn nói. 

Còn tại Việt Nam, ông Sơn tin rằng hoàn cảnh phát triển có nhiều thuận lợi từ sự ủng hộ của Chính phủ đến tinh thần khởi nghiệp trong các doanh nghiệp. Trong đó, công nghệ tạo ra nhiều ngành mới, trở thành một luật chơi mới mà các công ty Việt Nam không thay đổi thì sẽ không thể cạnh tranh. 

Khi chuyển đổi số, các doanh nghiệp kết nối với nhau trong giá trị mới, tạo ra cơ hội trong nhiều ngành khách nhau. Hai bên chia sẻ dữ liệu, dịch vụ, khách hàng trên một nền tảng nào đó. Đại diện FPT IS gọi đó là "nền kinh tế xếp tầng". "Một chiếc giày có chíp, phần mềm, khách hàng, ứng dụng bán hàng, bộ máy phân tích dữ liệu, logistic. Tất cả những khâu này sinh ra dữ liệu, dữ liệu làm nên giá trị cho chính doanh nghiệp", ông Sơn phân tích. 

 
10h05
Xu hướng ngân hàng số toàn cầu

Sau giờ giải lao, các khách mời chia vào hai phòng Toạ đàm. Tại phòng chủ đề Quản trị thông minh, ông Alex Kling, Giám đốc Ngân hàng số EY Singapore mở đầu chuyên đề về chuyển đổi số ngân hàng với phần phân tích về xu hướng sử dụng ngân hàng số trên thế giới. Ông nhận định hoạt động của ngành ngân hàng đang đi từ mô hình truyền thống với các gia dịch vật lý sang mô hình ngân hàng số với những hoạt động chủ yếu trên điện thoại và máy tính.

khan-phong-tang-3-7715-1574310260.jpg

Khán giả theo dõi phiên toạ đàm Quản trị thông minh tập trung cho lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng nền số có thể mang dịch vụ đến cho mọi người thông qua thiết bị di động. Không những thế, mô hình ngân hàng này còn cho phép người dùng được đặt mục tiêu tài chính, thiết lập và hướng họ hoàn thành mục tiêu. Ngân hàng số mang đến các trải nghiệm công nghệ cao như: mua đồ không cần tiền mặt, sử dụng robot hay livechat.

Cách vận hành "virture bank" hướng đến mọi đối tượng khách hàng, tìm hiểu về nhu cầu của khách hàng và tìm mọi cách để thỏa mãn nhưng nhu cầu của họ. Khách hàng không tương tác với con người mà là tương tác với máy móc với hệ thống công nghệ xử lý bằng AI.  

Chi phí điều hành ngân hàng số rất tiết kiệm, vì vậy họ có cách điều hành và quản lý khác biệt, dựa trên sự tự động hóa cao. Ngành ngân hàng có thể dùng công nghệ điện toán đám mây. Ngân hàng số còn có thể đưa ra gợi ý các gói giao dịch khách hàng ưa thích Dựa trên giao dịch khách hàng .

Nhân viên của ngân hàng số không phải là nhân viên truyền thống mà phần lớn các hoạt động sẽ do các kỹ sư điều hành. Hiện nay ở Anh người ta ứng dụng ngân hàng ảo rộng rãi có thể là rộng nhất trên thế giới với 3 mô hình thành công. Số lượng tổ chức với lượng khách tham gia giao dịch ngân hàng số ngày càng tăng. Họ thu được lượng thông tin nền tảng lớn từ khách hàng. Thực hiện giao dịch khách hàng nhanh chóng.  Với công nghệ hiện nay, người ta có thể làm ra các sản phẩm đồ họa để kích thích người dùng gia nhập hệ thống ngân hàng nhanh chóng hơn. 

 
10h00
Triển lãm công nghệ FPT Techday
Triển lãm công nghệ
 
 
 
 
09h29
Thiết bị thông minh điều khiển bằng giọng nói của FPT

Trong khuôn khổ sự kiện, phần tương tác qua giọng nói, ra lệnh cho các thiết bị bật tắt điện, chơi nhạc trong gia đình mang tên FPT Play Rogo được giới thiệu tại sự kiện.

Le-trong-duc-9835-1574304755.jpg

Lê Trọng Đức, GIám đốc sản phẩm FPT Play Box, FPT Telecom

Ông Lê Trọng Đức, Giám đốc sản phẩm FPT Play Box, FPT Telecom cho biết, FPT Play Rogo cho phép người dùng điều khiển tương tác với thiết bị trong gia đình thông qua giọng nói. Sản phẩm còn có thể kết nối với các hệ sinh thái tương tác giọng nói có sẵn trên thị trường như Google Home, Alexa...

FPT Play Rogo không chỉ kết nối với các thiết bị wifi mà còn hợp tác với các đơn vị sản xuất thiết bị thông minh. Từ 2020 các thiết bị của Điện Quang và Rạng Đông cũng có thể sử dụng và kết nối trực tiếp với FPT Play Rogo mà không cần qua thiết bị trung gian. "Với nền tảng này, chúng tôi cho phép các doanh nghiệp IoT tại việt nam thâm nhập thị trường dễ dàng hơn thông qua 200.000 sản phẩm FPT playbox có sẵn trong thị trường", ông Lê Trọng Đức nói. 

 
09h15
FPT tạo ra nhiều giải pháp quản trị doanh nghiệp 

FPT Uservices và AkaBot là hai trong số các sản phẩm FPT phát triển và giúp các doanh nghiệp trên thế giới tiết kiệm chi phí quản lý, vận hành doanh nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, vệc doanh nghiệp phát sinh nhiều quy trình giấy tờ, xuất hiệu sự chống chéo, tốn thời gian trong quản trị, là lý do sản phẩm PT Uservices ra đời. Sản phẩm đảm bảo khách hàng có thể thực hiện nhiều công việc quản trị trên thời gian thực. 

khan-phong-3-5654-1574306376.jpg

Khán giả theo dõi chương trình.

"Vận hành FPT Uservices, chúng tôi cam kết rút ngắn 70% quy trình, tăng năng suất 50% cho doanh nghiệp. 30-50% các bước của quy trình có thể tự động hoá. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm 20% chi phí vận hành hàng năm", ông Nguyễn Văn Khoa nói. 

Tiếp ngay sau phần chia sẻ về FPT Uservices, ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc sản phẩm FPT giới thiệu sản phẩm AkaBot. Nhờ kinh nghiệm làm việc với hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới, FPT nhận ra nhiều lỗ hổng trong quá trình vận hành. 

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ