Ngày lễ độc thân 11/11 có nguồn gốc từ Trung Quốc và từ năm 2009, Alibaba đã chọn ngày này để tổ chức chương trình sale kích cầu mua sắm. Dần dần, 11/11 trở thành một trong những ngày hội mua sắm lớn nhất năm tại các nước trong khu vực. Ở Việt Nam, ngày lễ độc thân cũng là thời điểm các sàn thương mại điện tử dồn dập chạy chương trình khuyến mại giảm giá, đồng giá, hoàn tiền...
Sự kiện này cũng chứng kiến các cuộc đua của sàn thương mại điện tử. Năm nay, tiếp nối sự kiện công bố Báo cáo đầu tiên về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong Thương mại Điện tử tại Đông Nam Á” cùng bộ tính năng GenAI mới, Lazada Việt Nam ckhởi động Lễ hội Mua sắm 11.11 “Sale Siêu Rẻ” với hàng loạt ưu đãi lên đến 90%, Voucher Max giảm giá tối đa lên tới 1 triệu đồng và miễn phí vận chuyển... Lazada còn thực hiện sự kiện livestream kéo dài 20 giờ, với sự tham gia của 3 livestreamer: Phương Anh Đào, Mai Vân Trang và Liêu Hà Trinh.
Trong khi đó, sự kiện “Shopee 11.11 sale khủng nhất năm” đã chính thức trở lại với hàng loạt ưu đãi mua sắm và chương trình giải trí hấp dẫn nhất. Đặc biệt, Shopee còn mang đến nhiều bộ sưu tập sản phẩm Việt với nhiều khuyến mại để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Sàn Tik Tok cũng gia nhập cuộc đua giảm giá ngày lễ độc thân 11/11 với việc tổ chức chương trình livestream khuyến mại 14 tiếng với sự góp mặt của nhiều KOL, KOG, ca sĩ...
Năm ngoái, doanh thu của 5 sàn Shopee , Lazada, TikTok Shop, Tiki, và Sendo đạt 232.100 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022. Thời gian gần đây, bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ, thị trường đang chứng kiến cuộc đổ bộ của các sàn xuyên biên giới như Temu, Shein. Vì vậy, cạnh tranh trên thị trường này ngày càng quyết liệt ở nhiều lĩnh vực, từ giá cả đến công nghệ.
Báo cáo "e-Economy SEA 2024" mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á. Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện đứng sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD).So với năm 2023, ngành này đã tăng trưởng 18%, tốc độ nhanh thứ 3 khu vực sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%). Giai đoạn đến cuối thập kỷ, thị trường Việt Nam dự báo duy trì nhịp độ tăng trưởng hiện tại, trung bình hơn 19% mỗi năm và đạt 63 tỷ USD vào 2030, vượt Thái Lan và đứng thứ hai khu vực sau Indonesia
Báo cáo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thương mại Điện tử tại Đông Nam Á" do Lazada và Kantar khảo sát mới đây, chỉ ra rằng một phần ba người tiêu dùng khu vực đang nhạy cảm về giá cả và tích cực tìm kiếm ưu đãi. Hơn một nửa số người được hỏi nói giá cả cạnh tranh và sự hiện diện của các phiếu giảm giá. Riêng khuyến mãi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc mua hàng lặp lại. Song song đó, hình thức mua sắm kết hợp giải trí - qua video ngắn và livestream - tiếp tục phát triển. "e-Economy SEA 2024" cho biết số lượng thương hiệu tiêu dùng tại Việt Nam có kênh video đã tăng 5% trong 2 năm qua.
Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử cũng chạy đua về công nghệ giúp người tiêu dùng khám phá sản phẩm phù hợp bằng việc cung cấp các gợi ý cá nhân hóa và cải thiện hiệu quả tìm kiếm... Chẳng hạn, mới đây, Lazada đã ra mắt bộ ứng dụng GenAI với các tính năng nổi bật như: Trợ lý mua sắm AI Lazzie, công cụ đề xuất sản phẩm thông minh, thông tin sản phẩm được tạo bởi AI và người mẫu ảo AI.
YouTube cũng công bố hợp tác với Shopee để ra mắt dịch vụ YouTube Shopping tại Indonesia, cho phép người dùng mua sắm trực tiếp từ video qua Shopee. Dịch vụ này được cho sẽ sớm mở rộng sang Thái Lan và Việt Nam. Còn TikTok giới thiệu bộ giải pháp hỗ trợ nhà sáng tạo hoạt động hiệu quả và an toàn, nổi bật là tính năng Kiểm tra tài khoản (Account Check) hỗ trợ nhà sáng tạo kiểm tra nhanh chóng tình trạng của tài khoản và 30 bài đăng gần nhất...
Nguồn: Nhipcaudautu.vn