Ngày 20-2, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM) tổ chức tọa đàm Sài Gòn phố, nhằm tìm tòi những ý kiến hiến kế, góp ý cho công tác nghiên cứu bảo tồn di sản của TP.
Giữ gì cho Sài Gòn xưa?
Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng TP.HCM hiện có nhiều công trình mang tính biểu tượng mà ngay từ những năm đầu thế kỷ 20 người Pháp đã muốn giới thiệu ra thế giới bằng cách in hình những công trình này trên bưu thiếp. Ông Tiến cũng gợi ý về 10 cặp công trình - không gian có giá trị biểu tượng di sản cần phải bảo tồn.
Khu vực từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng đến cột cờ Thủ Ngữ là một đoạn đường rất giàu về tài nguyên lịch sử, tài nguyên về du lịch.
Ông Tiến đề nghị phải đề cao nghiên cứu hai bên bờ sông Sài Gòn, khai thác yếu tố phố cũ - phố mới hai bên dòng sông khu vực này như nhiều TP lớn trên thế giới. "Đây là khu vực thể hiện lịch sử TP sông nước của Sài Gòn xưa, là khu cần phải "ra tay" bảo tồn đầu tiên tại TP.HCM" - ông Tiến nhấn mạnh.
Khu chợ Bến Thành và tòa nhà hỏa xa (trụ sở của Tổng công ty Đường sắt hiện tại), hiện nay gần như còn nguyên vẹn, chưa bị xâm phạm. Theo ông Tiến, đây là khu vực đô thị hóa lần thứ 2 của Sài Gòn.
Nhiều khu phố xung quanh chợ Bến Thành như đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vẫn còn nguyên hình thái kiến trúc bên ngoài lẫn bên trong. Khu vực này có nhiều nhà của nhà tư sản Hứa Bổn Hòa, có những thương hiệu nổi tiếng của Sài Gòn thời đó như bánh trung thu Đông Hưng Viên, tiệm vàng Kim Thành...
Ông Tiến gợi ý nên dùng một căn nhà thuộc sở hữu nhà nước ở khu vực này để trưng bày về lịch sử chợ Bến Thành hoặc tòa nhà bảo tàng của ngành đường sắt.
Tiếp đến là các cặp di sản cần bảo tồn như Nhà dây thép của Sài Gòn (Bưu điện TP) và tòa nhà Ngân hàng Đông Dương (trụ sở Ngân hàng Nhà nước).
Ngoài ra, các công trình sau đây cũng cần bảo tồn: công trình nhà máy nước và nhà máy điện đầu tiên của Sài Gòn, các dinh thự trong khu trung tâm TP, Nhà hát TP và đường Catinat; lăng Ông Bà Chiểu và nhà thờ Đức Bà; Trường nghề Cao Thắng và Trường Lê Hồng Phong; chợ Bình Tây và Chợ Lớn...
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp đề cập việc bảo tồn cầu sắt Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) vì đây là cầu xoay duy nhất của Việt Nam còn lại đến bây giờ.
Theo ông Nghiệp, những người quản lý di sản phải quan tâm đến di sản, phải hiểu về lịch sử của từng công trình mới thấy hết giá trị của nó. Ông Nghiệp cho rằng có những trường hợp vì không hiểu lịch sử tường tận nên không thể thuyết phục được người có thẩm quyền giữ lại các di tích, công trình có giá trị bảo tồn.
Để di sản được "sống"
Các chuyên gia cũng đồng ý nếu ngành du lịch TP khai thác tốt những giá trị di sản thì sẽ đem lại thu nhập có khi còn cao hơn việc đập bỏ di sản để xây dựng những tòa nhà cao tầng.
Tại buổi tọa đàm, kiến trúc sư người Singapore, ông Monty Tejam, đưa ra ví dụ ở nhiều nước trên thế giới như Thụy Điển, Úc, Na Uy... việc bảo tồn di sản tạo thêm nhiều việc làm hơn.
Còn ở Mỹ, nạn thất nghiệp có thể giải quyết bằng việc tái thiết các công trình lịch sử có giá trị. "Nơi nào có di sản thì du khách quan tâm đến di sản ở lâu hơn, tiêu xài nhiều tiền hơn. Tóm lại, bảo tồn di sản mang lại lợi ích rất lớn" - ông Monty Tejam nhận định.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc cũng trình bày những khảo sát cho thấy khu vực có nhiều công trình di sản của TP.HCM cũng là nơi du khách hay lui tới. Những nơi này, các chuỗi quán cà phê, nhà hàng, quán ăn mở ra thu hút đông khách du lịch.
Dưới góc nhìn về kinh tế, TS Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng người làm bảo tồn cần kết nối được nhu cầu bảo tồn với những tư nhân muốn bảo tồn để làm kinh tế. Mục đích là để những công trình bảo tồn sống được đời sống của nó, chứ không nên chỉ trông chờ vào ngân sách và chính sách từ Nhà nước.
"Chính quyền cần có những cơ chế, chính sách luật lệ cho phép chuyển đổi. Có thể áp dụng phương thức như BOT cho công trình bảo tồn để nhà đầu tư sống được bằng bảo tồn" - TS Đoan góp ý. Theo ông Đoan, nên khuyến khích tư nhân đầu tư làm bảo tồn hiệu quả, phối hợp lợi ích công cộng và lợi ích của nhà đầu tư.
Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp cho rằng cần thiết trước mắt TP phải tiến hành ngay việc làm quy hoạch di sản. Sau khi có đồ án quy hoạch di sản thì sẽ cập nhật trong đồ án quy hoạch chung mà TP đang điều chỉnh. Có được những nền tảng ban đầu này, việc triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu sau này sẽ không bị vướng việc bảo tồn di sản như hiện nay.