Với mục tiêu nâng cao chất lượng trưng bày, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ và xúc tiến du lịch; năm 2020, Bảo tàng Hà Giang được cải tạo, nâng cấp với tổng diện tích quy hoạch 4.100 m2, tổng kinh phí đầu tư 106,2 tỷ đồng. Đây là tiền đề quan trọng giúp công trình trở thành điểm đến nổi bật, hấp dẫn, mang đậm bản sắc độc đáo riêng có, vừa mang hơi thở thời đại. Với xứ mệnh “tiếp lửa” truyền thống, kết nối di sản, Bảo tàng tỉnh sau khi được nâng cấp có nhiều dấu ấn trong thiết kế, để lại ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. Theo đó, Bảo tàng gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo tiến trình thời gian: Cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái; xây dựng cuộc sống mới.
Gian khánh tiết thu hút du khách. |
Đồng chí Bùi Đức Tân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Việc đổi mới trưng bày được bảo tàng thực hiện trên phương diện cấu trúc lại nội dung, hình thức thể hiện gắn với các hoạt động phục vụ công chúng tốt hơn. Với trên 13.000 tài liệu, hiện vật đang lưu giữ, bảo tàng áp dụng quan điểm mới về phát triển ý tưởng, giải pháp trưng bày. Đồng thời, các bộ phận nghiệp vụ nỗ lực sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật trên cơ sở nội dung nghiên cứu chỉnh lý, khai quật khảo cổ học, tư liệu, số hóa hiện vật. Tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu, tu sửa, phục chế tài liệu, hiện vật, đáp ứng tối đa nội dung ý tưởng trưng bày… qua đó tạo ra khác biệt với những bảo tàng khác.
Với quan điểm mới trong thay đổi nội dung trưng bày, không gian tại Bảo tàng tỉnh được bố trí khái quát, cô đọng theo tiến trình lịch sử. Đồng thời, bảo đảm tính chính trị, khoa học, tính dân tộc và hiện đại, tính hàn lâm và toàn diện trong đa dạng văn hóa của các dân tộc. Ngay tại gian mở đầu khánh tiết, du khách ấn tượng mạnh với hệ thống biểu thông tin được sắp xếp theo thuật toán hiện lên dòng chữ “Bảo tàng Hà Giang”. Cách sắp xếp này còn tượng trưng cho các dãy núi vòng cung ôm trọn lấy Hà Giang; các tấm pa-no được thiết kế nhiều màu sắc tạo nên bức tranh tổng thể sinh động. Đặc biệt, màu sắc, họa tiết trang trí phản ánh sự hiện diện của 19 dân tộc và tinh tế trong trang phục. Các gam màu nóng, lạnh được sử dụng hài hòa tạo nên triết lý âm-dương của phương Đông.
Bảo tàng ứng dụng công nghệ phục vụ khách tham quan. |
Nếu như trước đây, việc trưng bày hiện vật với số lượng lớn, dày đặc, theo dòng thời gian thì nay Bảo tàng tỉnh đã có sự đổi mới trong lựa chọn hiện vật. Các hiện vật được chọn thật sự tiêu biểu, tạo điểm nhấn về những dấu mốc lịch sử, giúp khách tham quan có cái nhìn tổng thể, kết hợp với màu sắc, ánh sáng, âm thanh sinh động. Nổi bật, toàn bộ ý tưởng trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được chuyên gia Pháp và nhóm cộng sự am hiểu về phong tục, tập quán, xã hội của vùng đất Hà Giang thiết kế. Tại các gian trưng bày, thông điệp tổng quan về mảnh đất, con người Hà Giang được khám phá thông qua các chủ đề được phân cấp và được bổ trợ của các thiết bị công nghệ cùng các kí hiệu biểu thị logic, khoa học và màu sắc gây ấn tượng.
Nhằm đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm, Bảo tàng tỉnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày, tích hợp hình ảnh, video, hiện vật... qua đó, tái hiện chân thực văn hóa, lễ nghi độc đáo của các dân tộc. Tái hiện lịch sử, cuộc sống bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp, tại các không gian lồng ghép công nghệ, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến mang lại hiệu quả truyền tải thông tin và hiệu ứng thị giác. Đặc biệt, tại phòng chiếu phim sử dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping, đây là công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay. Phần lớn hệ thống trang thiết bị tại bảo tàng đều là thiết bị chuyên dụng, đặc chủng. Theo đánh giá của các chuyên gia, các thiết bị này đáp ứng rất tốt cho việc trưng bày quản lý và khai thác vận hành bảo tàng hiệu quả, an toàn, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, bảo tàng sử dụng các trang thiết bị nghe nhìn hiện đại như: 1 màn hình cong trình chiếu khổ lớn; 19 màn hình ti vi chiếu phim các chủ đề; 6 màn hình cảm ứng tra cứu thông tin, trải nghiệm; hệ thống thuyết minh tự động audio guide giới thiệu 150 câu chuyện chuyên sâu với 3 ngôn ngữ Anh, Việt, Pháp… Qua đó, cung cấp thông tin, tư liệu; tra cứu; phục vụ các hoạt động đa dạng, tính tương tác, khám phá của du khách tham quan.
Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh tiếp tục triển khai đa dạng các hoạt động, sự kiện, dịch vụ, trưng bày theo chuyên đề, các sự kiện văn hóa. Tăng cường hoạt động trải nghiệm, kết nối, đưa bảo tàng trở thành địa chỉ đỏ về quảng bá, giới thiệu hình ảnh, lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Giang.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN