489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Đưa công nghệ vào bảo tàng để thu hút du khách

Đưa công nghệ vào bảo tàng để thu hút du khách

Nắm bắt được xu hướng của thời đại số, nhiều bảo tàng đã không ngừng nỗ lực chuyển mình, tích cực ứng dụng công nghệ để thu hút, quảng bá những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời tới khách tham quan.

Từ đầu tháng 7, “Hộp kể chuyện” là mô hình chuyển đổi số mới được áp dụng tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với mong muốn giúp công chúng hiểu rõ về di sản, đồng thời thêm yêu lịch sử, văn hóa Việt.

Tăng thêm trải nghiệm cho khách tham quan

Với thiết kế hình dáng tương tự một chiếc hộp cùng bảng điều khiển bên trong, khách tham quan có thể chọn lựa dữ liệu dựa trên biểu tượng hiện vật được cài đặt sẵn. Sau khi nhấn nút chọn trên màn hình, du khách sẽ được nghe kể câu chuyện với các chủ đề như “Ấn đồng Lương tài hầu chi ấn” (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh), “tượng Chăm Ganesha” (Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh), “áo dài” (Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ) và “tòa nhà” (Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh) thông qua các postcast với thời lượng khoảng 3 phút.

Cùng bạn đến trải nghiệm tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, em Vũ Hường (Trường Trung học Phổ thông Gia Định) cho biết, với giọng đọc truyền cảm, dễ nghe, em có thể dễ dàng hình dung các câu chuyện qua từng chủ đề. So với việc tham quan trực tiếp nghe loa từ thuyết minh viên, hình thức này tạo cho em sự tập trung cao độ, kích thích sự khám phá, tìm tòi. Hường mong muốn sẽ có thêm nhiều mô hình hay và độc đáo như vậy để các học sinh có thể đến học hỏi, trải nghiệm tại nhiều bảo tàng trên địa bàn Thành phố.

Em Lê Hà Minh Thư (học Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thượng Hiền) bày tỏ sự thích thú với các chủ đề có trong “Hộp kể chuyện”. Theo em Thư, giữa những ồn ào, náo nhiệt của Thành phố mang tên Bác, đến với bảo tàng, em được thư giãn trong không gian yên bình, được nghe, cảm nhận rõ rệt về những sản phẩm văn hóa có giá trị trường tồn theo thời gian.

Theo bà Emmanuelle Pavillon Grosser, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, “Hộp kể chuyện” là thiết bị truyền đạt nội dung qua âm thanh được thi công tại Việt Nam dựa trên thiết kế của Bảo tàng Confluences (Lyon, Pháp) nhằm giới thiệu tới công chúng Thành phố bộ sưu tập hiện vật tiêu biểu trong các bảo tàng trên địa bàn. Thông thường khi đến bảo tàng, khách tham quan đi với số lượng nhiều sẽ được thuyết minh viên hướng dẫn. Nếu đi với số lượng ít, khách phải tự tìm hiểu về hiện vật, những câu chuyện ở đó. Điều này đôi lúc gây ra một số khó khăn cho du khách, nhất là những em nhỏ, người lớn tuổi hoặc những người không biết chữ. Khi “hộp kể chuyện” hoạt động, du khách có thể ngồi vừa nghe thuyết minh, vừa xem hình ảnh chuyển động trên máy chiếu.

Hai “Hộp kể chuyện” là kết quả bước đầu của dự án FSPI “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam” do Bộ phận hợp tác và hoạt động văn hóa của Đại sứ quán Pháp tiến hành. Từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2023, cán bộ các bảo tàng lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tham gia nhiều khóa tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức đa dạng hoạt động, phát triển di sản tại hệ thống bảo tàng với nhiều chuyên gia đến từ Pháp. Trước mắt, hai “Hộp kể chuyện” được đặt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, sau đó sẽ được di chuyển luân phiên đến các bảo tàng trên địa bàn.

Chung tay gìn giữ di sản

Thành phố Lyon (Pháp) có nhiều “Hộp kể chuyện” được đặt tại các điểm công cộng như: sân bay, nhà ga hay bệnh viện với mong muốn đem đến cho du khách những khoảnh khắc thư giãn; đồng thời, giúp những ai quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các hiện vật của bảo tàng. Đây cũng là phương tiện để bảo tàng tiếp cận những đối tượng công chúng ít quan tâm đến các địa điểm văn hóa, hoặc không có điều kiện tới những nơi này thường xuyên.

Là đơn vị đầu tiên tiếp nhận “Hộp kể chuyện”, bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ vui mừng khi có thêm kênh tương tác mới với khách tham quan thông qua thiết bị công nghệ này. Theo bà Đoàn Thị Trang, Bảo tàng đang trong quá trình bàn bạc, tiếp tục bổ sung tài liệu, hiện vật, những câu chuyện thú vị, có thêm nhiều ý tưởng phát huy tối đa các giá trị hiện vật, tư liệu quý, những câu chuyện ý nghĩa mà hệ thống bảo tàng đang nắm giữ. Qua đó, hình ảnh của các bảo tàng sẽ đến gần hơn với người dân Thành phố và du khách.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho rằng, thời gian tới, bên cạnh 4 câu chuyện đang có trong “Hộp kể chuyện”, đơn vị sẽ nghiên cứu để đưa thêm nhiều câu chuyện về hiện vật, văn hóa, lịch sử để khách tham quan có thể lựa chọn và biết nhiều hơn về hệ thống bảo tàng ở Thành phố; từ đó, chung tay góp sức cùng giữ gìn di sản văn hóa Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm, ngoài đặt ở bảo tàng, những chiếc “Hộp kể chuyện” có thể đưa ra ngoài các không gian công cộng như: đường phố, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… để công chúng được chiêm ngưỡng, trải nghiệm. Chính sự kết hợp giữa bảo tàng và công nghệ khiến các hiện vật trở nên sinh động hơn, kéo gần khoảng cách giữa du khách với các hoạt động lịch sử của bảo tàng; đồng thời, khơi gợi sự hứng thú, ham muốn tìm hiểu của thế hệ trẻ.

Theo ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, việc ứng dụng công nghệ vào giới thiệu, trưng bày là phần tất yếu của lộ trình chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực và các bảo tàng tại Thành phố cũng không ngoại lệ. Những chiếc “Hộp kể chuyện” sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm mô hình mới, có thời gian tiếp xúc trực tiếp các khu trưng bày được ứng dụng công nghệ hiện đại tại các bảo tàng. Chính những trải nghiệm mới do công nghệ mang lại phần nào giúp thu hút du khách trong hành trình khám phá văn hóa, lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.

Thực tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những ứng dụng thông minh như: quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo hay mô hình “Hộp kể chuyện” vừa là xu hướng, cơ hội, vừa là thách thức đối với các bảo tàng. Nhiều người cho rằng, việc được trực quan ngắm nhìn hiện vật gốc sẽ mang lại tình cảm, cảm xúc lịch sử chân thật. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ góp phần quan trọng vào việc quảng bá, đưa công chúng, nhất là thế hệ trẻ tiếp cận những địa điểm văn hóa, lịch sử nhiều hơn, giúp giới trẻ thêm hiểu và yêu văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Thu Hương (TTXVN)

 

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ