Bản chất của việc dùng công nghệ để kết nối là làm thế nào để thông tin giáo dục được minh bạch. Cán bộ quản lý cần được biết giáo viên của họ đang làm gì, dạy như thế nào, học sinh có đến trường hay không? Còn phụ huynh cần biết con mình làm gì ở trường. Giải pháp công nghệ, giáo dục thông minh cho phép 4 đối tượng này biết được tiếp nhận thông tin một cách cùng lúc, thậm chí là qua lại. Ứng dụng công nghệ trong giáo dục còn giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn.
TP.HCM đang xây dựng đề án giáo dục thông minh tầm nhìn đến năm 2025. Smartschool là giải pháp để ngành Giáo dục thành phố tích lũy được nguồn tư liệu giáo án điện tử phong phú, kết nối với trung tâm điều hành giáo dục thông minh để hình thành nên kho dữ liệu dùng chung cho giáo viên toàn ngành. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 77% giáo viên khẳng định công nghệ thúc đẩy học sinh học tập tích cực hơn. Việc sử dụng hiệu quả các công nghệ thông minh trong giáo dục là vấn đề sống còn đối với sứ mệnh đào tạo.
Giáo dục thông minh cũng cần những người vận hành thông minh, bắt đầu từ người quản lý cho đến giáo viên bởi đây là hai nhân tố để vận hành nền giáo dục. Vì thế, một trong những yêu cầu được đặt ra khi triển khai giáo dục thông minh chính là chuẩn bị sớm nguồn nhân lực, không thể đợi cho đến khi đủ điều kiện mới thực hiện giáo dục thông minh.
Trong chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam lại chưa nhắc đến cụm từ "giáo dục thông minh" dù đây là xu hướng giáo dục hiện đại và là nhu cầu cần thiết. Điều cần lúc này nên chăng là có một lộ trình triển khai giáo dục thông minh, xây dựng các chỉ số đánh giá về bài giảng thông minh, lớp học thông minh, trường học thông minh gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm 2020