489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Khám phá Bảo tàng Chữ viết thế giới ở Hàn Quốc

Khám phá Bảo tàng Chữ viết thế giới ở Hàn Quốc

Hàn Quốc vừa chính thức mở cửa và phục vụ miễn phí khách tham quan Bảo tàng Chữ viết thế giới từ ngày 29-6 vừa qua. Đây là bảo tàng hệ thống chữ viết thứ ba của thế giới, sau hai bảo tàng tại Pháp và Trung Quốc.

Bảo tàng quốc gia về Hệ thống Chữ viết thế giới (hay Bảo tàng Chữ viết thế giới) là một trong số các bảo tàng quốc gia của Hàn Quốc, tọa lạc tại Khu kinh doanh quốc tế Songdo thuộc thành phố Incheon phía tây thủ đô Seoul.

Tìm về ký ức nhân loại

Bảo tàng được khởi công xây dựng từ đầu năm 2020 với kinh phí đầu tư lên đến hơn 9 tỉ won (khoảng 180 tỉ đồng). Nơi đây bao gồm không gian triển lãm cố định, không gian triển lãm theo chuyên đề, phòng trải nghiệm cho thiếu nhi, khu vực triển lãm ngoài trời, kho lưu trữ, phòng học đa năng và một không gian mở phục vụ cà phê và đồ ăn.

Điểm bắt đầu cho hành trình khám phá bảo tàng là tác phẩm nghệ thuật của nhà thiết kế Kim Seung-young bao gồm các khối loa thùng xếp chồng lên nhau, lấy cảm hứng từ tháp Babel.

Theo truyền thuyết, loài người cổ xưa vốn nói chung một ngôn ngữ. Nhưng vì mong muốn chạm đến thiên đường, họ đã cùng nhau xây dựng một tòa tháp chọc trời.

Nhưng Chúa trời đã khiến cho tiếng nói của họ trở nên khác nhau và làm cho họ phân tán ra khắp thế giới, từ đó tạo nên nhiều ngôn ngữ.

Đứng trong tác phẩm nghệ thuật tháp Babel, người ta có thể lắng nghe nhiều loại âm thanh, từ những âm thanh của tự nhiên cho đến những tiếng nói đa dạng trên khắp thế giới.

Các hiện vật chữ viết của nhân loại được trưng bày tại bảo tàng theo trình tự thời gian. Bắt đầu là những ký tự tượng hình được người tiền sử vẽ lại trên các hang động như hang Chauvet-Pont d'Arc, hang Lascaux, hang Altamira...

Kế đến là khu trưng bày văn tự hình nêm của người Lưỡng Hà và văn tự tượng hình của người Ai Cập, người Maya cổ đại.

 

Nghệ thuật bố trí không gian trưng bày tạo cho người xem cảm giác như đang ngược dòng thời gian để trở về với các nền văn minh cổ xưa. Hiện bảo tàng đang lưu trữ trên 500 hiện vật quý hiếm cung cấp bức tranh toàn cảnh về 55 loại chữ viết của các dân tộc trên thế giới.

Bảo tàng được tích hợp hệ thống trình chiếu thông minh giúp khách tham quan tìm hiểu về thông tin hiện vật qua chín thứ tiếng gồm: Hàn, Anh, Trung, Nhật, Thái, Việt, Tây Ban Nha, Pháp và Ả Rập. Ngoài ra người xem cũng có thể đăng ký tìm hiểu với hướng dẫn viên miễn phí bằng tiếng Hàn và tiếng Anh theo các khung giờ trong ngày.

Phần giới thiệu bằng tiếng Việt trong bảo tàng - Ảnh: TÙNG NGỌC

Phần giới thiệu bằng tiếng Việt trong bảo tàng - Ảnh: TÙNG NGỌC

Các bước phát triển của ngôn ngữ

Trong khu vực giới thiệu về chữ viết ở Đông Á, ngoài các hiện vật về chữ Hán (giáp cốt văn, kim văn, tiểu triện, lệ thư, khải thư, chữ giản thể...) hay chữ Hiragana và Katakana của Nhật Bản, còn có một bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm của Việt Nam.

Đặc biệt mọi người cũng có thể tìm hiểu về chữ viết Hangeul hay Huấn dân chính âm của Hàn Quốc.

Đây là một loại chữ viết hiếm hoi trên thế giới còn lưu giữ lại được cả thông tin về người sáng tạo cũng như nguyên lý sáng tạo.

Giống như nhiều nước đồng văn trong khu vực, trong lịch sử người Hàn Quốc từng tiếp nhận và sử dụng chữ Hán, nhưng trên nền tảng chữ Hán họ đã sáng tạo ra các loại chữ như Idu, Gugyeol, Hyangchal để ghi chép lại tiếng nói của dân tộc mình.

Tuy nhiên các loại chữ viết này đều khó học, khó phổ cập nên đến đầu thế kỷ 15, vua Sejong của triều đại Joseon đã cùng các học giả của Tập hiền điện sáng tạo nên chữ Huấn dân chính âm (Hunminjeongeum), tiền thân của chữ Hangeul mà người Hàn Quốc sử dụng ngày nay.

Chữ Hangeul không chỉ chứa đựng thế giới quan của người Hàn Quốc mà còn áp dụng những nguyên lý ký âm khoa học. Ở bảo tàng người xem cũng có thể tìm hiểu về Hangeul dạng chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Không chỉ là chữ viết

Ngoài các phần trưng bày về chữ viết, Bảo tàng Chữ viết thế giới còn giới thiệu các phương tiện dùng để ghi chép, kỹ thuật in ấn, bảo quản tư liệu trong lịch sử nhân loại.

Trong đó có thể kể đến phương thức khắc ván gỗ (mộc bản), in chữ rời bằng kim loại, biên chép kinh điển trên lá cây, trang trí trên đồ gia dụng, máy đánh chữ, máy vi tính và hệ thống phân tích ngôn ngữ sử dụng mã nhị phân...

Một điểm đặc biệt khác ở bảo tàng là người xem được trải nghiệm một số xu hướng mới của chữ viết, trong đó có chữ viết bằng ký tự cảm xúc (emoji), biển báo minh họa, hình ảnh động... Họ cũng có thể tham gia khảo sát trực tiếp tại bảo tàng để đưa ra dự đoán của cá nhân về xu hướng phát triển chữ viết trong tương lai.

Nguồn: Tuổi trẻ
HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ