489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Mẫu vật cá voi nhồi xác duy nhất trên thế giới

Mẫu vật cá voi nhồi xác duy nhất trên thế giới

Cá voi Malm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Gothenburg ở Thụy Điển. Ảnh: Jopparn/Wikimedia

Cá voi Malm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Gothenburg ở Thụy Điển. Ảnh: Jopparn/Wikimedia

Nhồi xác là phương pháp bảo quản cơ thể động vật chết bằng cách nhồi vật liệu đặc biệt vào bên trong, giữ lại lớp da lông bên ngoài, khiến chúng trông như còn sống. Sinh vật biển như cá voi, cá heo, động vật lưỡng cư như ếch hay kỳ nhông, và các loại cá rất khó nhồi xác vì da chúng khó xử lý và giữ ổn định.

Về mặt kỹ thuật, việc tách da cá voi, loại bỏ chất béo và phủ da lên khung gỗ hoặc sợi thủy tinh hoàn toàn khả thi, nhưng đó sẽ là một công việc vô nghĩa. Cá voi không có lông che phủ, do đó, da sẽ mất màu và chuyển sang màu xám đục chỉ sau vài năm. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa các chuyên gia chưa từng thử nhồi xác cá voi. Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Gothenburg ở Thụy Điển lưu giữ cá voi Malm - mẫu vật cá voi nhồi xác duy nhất trên thế giới.

Năm 1865, một con cá voi xanh dạt vào bờ biển Askim gần thành phố Gothenburg. Cá voi xanh khoảng 7 tháng tuổi. Với chiều dài 16 m, nó vẫn chưa trưởng thành hoàn toàn, nhưng đủ lớn để khiến những người dân địa phương phấn khích. Nhiều người trong số họ chưa từng nhìn thấy cá voi trước đây. Những ngư dân phát hiện cá voi giết chết con vật, đầu tiên làm hỏng mắt để nó không thể nhìn được, sau đó tấn công bằng lao móc và rìu.

Khi August Wilhelm Malm, chuyên gia nhồi xác kiêm quản lý tại Bảo tàng Gothenburg, nghe tin về cá voi, ông nhanh chóng đến mua lại để bổ sung vào bộ sưu tập của bảo tàng. Sau khi thỏa thuận xong, Malm bắt đầu việc vận chuyển con vật khổng lồ đến Gothenburg. Quá trình vận chuyển cần sử dụng ba tàu hơi nước và hai chiếc sà lan, thu hút một lượng lớn người tò mò đến xem. Chứng kiến sự nhiệt tình của đám đông, Malm đã trèo lên lưng con cá voi dài 16 m và thuyết trình ngắn gọn về cá voi.

Cá voi Malm được đưa đến Gothenburg. Ảnh: Thư viện Quốc gia Thụy Điển
Cá voi Malm được đưa đến Gothenburg. Ảnh: Thư viện Quốc gia Thụy Điển

Ban đầu, Malm chỉ định giữ lại vài mét da cho bảo tàng, nhưng đến phút cuối, ông quyết định sẽ bảo tồn toàn bộ con vật. Malm thuê một nhóm đồ tể để mổ xẻ cá voi, loại bỏ mỡ và các cơ quan nội tạng. Một số bộ phận của cá voi gồm tim, một bên mắt, thanh quản, trực tràng và một số phần của đường tiêu hóa được bảo quản bằng glycerine và cồn. Da được xử lý bằng muối, mùn cưa hấp thụ chất béo và đất sét trắng dạng bột, sau đó dùng dung dịch arsen bão hòa phủ bên trong. Sau khi da cá voi khô lại, nó được phủ thêm một lớp thủy ngân clorua và một lớp vecni copal trong suốt.

Các chuyên gia cũng chế tạo một khung gỗ lớn theo hình dạng cá voi và căng da lên trên khung, giữ cố định bằng 30.000 đinh ghim kẽm và đồng. Phần cổ được trang bị bản lề để hàm cá voi có thể mở ra cho khách tham quan trèo vào trong bụng. Bên trong là một căn phòng với ghế dài, thảm và tranh treo tường.

Khách tham quan từng được phép trèo vào trong miệng cá voi Malm bất cứ lúc nào. Nhưng đến khoảng những năm 1930, miệng cá voi được đóng lại và chỉ mở vào những dịp đặc biệt. Ví dụ, cá voi mở miệng vào năm 1940 trong lễ kỷ niệm 75 năm của chính nó, năm 1955 nhân dịp kỷ niệm 90 năm, và một lần khác vào năm 1965 trong kỷ niệm 100 năm. Trong lễ kỷ niệm kéo dài 10 ngày vào năm 1965, hơn 11.000 người đã ghé thăm bảo tàng.

Thu Thảo (Theo Amusing Planet)

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ