Học sinh Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) (Ảnh: DUY LINH)
Dạy học qua hoạt động
Học sinh không phải yên lặng, khoanh tay trên bàn, lắng nghe, chép nhanh trên bảng và ghi vội lời nói của giáo viên. Thay bằng học sinh được hoạt động dưới sự điều hành của giáo viên (hoặc các em tự chủ) trong suốt quá trình tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành các hành vi hay thái độ. Phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động của hệ thần kinh, não bộ với hoạt động của các chi và các giác quan khi học sinh học tập trên lớp cũng như hoạt động trải nghiệm ngoài lớp, ngoài trường. Lớp học vui vẻ, khẩn trương, giáo viên, học sinh cùng hoạt động và đều cùng làm việc kỷ luật. Giáo viên tổ chức học sinh hoạt động hài hòa và xen kẽ : hoạt động não bộ tập trung 5-7 phút rồi chuyển tiếp sang các hoạt động thư giãn hay thay đổi trạng thái tư duy. Dạy học qua hoạt động là yếu tố cơ bản và quan trọng cho dạy học đổi mới. Người ta nói, không tổ chức dạy học qua hoạt động, sẽ không thể có phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh.
Dạy học qua tương tác
Không có cách dạy học áp đặt một chiều: giáo viên nói và học sinh nghe. Mà là hòa đồng: giáo viên và học sinh hiểu nhau, cùng nhau phối hợp trong tất cả các hoạt động học tập. Học sinh luôn biểu cảm, bộc lộ cảm xúc và không ngại ngần hỏi lại giáo viên. Giáo viên hồ hởi tiếp nhận và phản hồi ngay tức khắc cho học sinh. Giáo viên biết học sinh cần gì, khó khăn gì và ngược lại học sinh luôn có niềm tin, tìm về giáo viên để gỡ khó bản thân trong quá trình học tập. Học sinh tự nghiên cứu bài học, trao đổi bạn ngồi bên và có thể tương tác với nhau trong lớp. Không khí lớp học là hợp tác, hỗ trợ và giao lưu giữa giáo viên với học sinh và học sinh với học sinh. Mọi học sinh trong lớp đều có chung mục tiêu và ý chí hành động: cùng nhau học tập và cùng nhau phát triển. Giáo viên phải có đủ độ nhạy cảm để phân biệt điểm mạnh, điểm yếu của từng em, để từ đó luôn biết cách điều chỉnh hợp lý các tương tác tương ứng. Giáo viên luôn là người bạn lớn, bình đẳng, đồng hành cùng học sinh đi tìm chân lý.
Dạy học với hướng dẫn tự học
Khi giáo viên cung cấp cho học sinh một điều gì đó, cũng chính là đã lấy đi cơ hội để học sinh tự mình tạo nên điều đó. Hãy đừng nói trước tất cả những gì cho học sinh mà để các em tò mò, còn giáo viên cố tạo ra hứng thú để các em truy tìm kiến thức. Giáo viên hãy hỗ trợ, gơi mở, đặt câu hỏi cho học sinh để các em tự suy nghĩ, khám phá giải quyết vấn đề. Kiến thức có được theo kiểu này sẽ đi theo học sinh, khắc sâu trong tâm trí các em tới suốt đời. Giáo viên định hướng nội dung và hướng dẫn học bài, còn học sinh tự xoay sở hoàn thành mục tiêu bài học. Giáo viên “đi sau” học sinh để uốn nắn, hỗ trợ giúp học sinh tự mình thực hiện được mục tiêu bài học. Vai trò của giáo viên là lãnh đạo, gợi mở, xúc tác, trọng tài, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp nhận kiến thức. Tuyệt nhiên, giáo viên không phải là người chuyển giao kinh nghiệm và “san sẻ”, “ban phát” kiến thức cho học sinh. Học sinh tiếp thu tốt nhất khi được giáo viên cho học những bài khó hơn một chút so với khả năng của từng em. Không thể có “một phương pháp cho tất cả” hay “dạy học đồng loạt” trong lớp. Điều đó yêu cầu giáo viên phải dạy học cá biệt hóa, tức là phải dạy cách học và tự học có hướng dẫn cho học sinh. Học tập tức là tự học tập, tự làm ra chính mình chứ không phải do người ngoài hay hướng đến phiên bản của một người nào khác.
Dạy học đi cùng đánh giá
Hoạt động dạy học và đánh giá đi cùng, liền nhau, liên tục, cái này lồng ghép và đan xen vào cái kia. Đánh giá từ nhiều nguồn, nhiều hình thức, trong đó tự đánh giá và đánh giá học sinh với nhau là rất quan trọng. Đánh giá ở đây là đánh giá tạm thời, đánh giá đang trong quá trình học sinh học tập. Vì vậy không phải là đánh giá cuối cùng về kiến thức, kỹ năng hay thái độ của học sinh. Lời nói trước lớp, nhận xét bằng lời hay chữ viết hoặc có một phần thưởng nhỏ của giáo viên, đấy chính là đánh giá. Đánh giá là nhằm động viên, điều chỉnh cách học, cách gặt hái kiến thức cho học sinh. Đánh giá không là để phân loại hay “dán nhãn” cho học sinh. Giáo viên, nhất thiết phải có sổ tay đánh giá tạm thời quá trình và kết quả học tập của học sinh. Đây là sổ ghi chép của riêng giáo viên, được coi như là hồ sơ minh chứng hay là sự mô tả sự tiến bộ, những khó khăn gặp phải của học sinh trong học tập và phát triển. Giáo viên coi trọng việc gặp (trực tiếp hay trên mạng) và phản hồi thường xuyên với cha mẹ các em, hơn là chỉ có thông báo kết quả học tập trước cuộc họp phụ huynh định kỳ.
Dạy học gắn với thực tiễn
Từ thực tiễn đến nhận thức và nhận thức phải quay về thực tiễn. Đó là con đường biện chứng không thể khác được của dạy học đổi mới.
Kế hoạch dạy học của giáo viên bao giờ cũng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cuộc sống hay từ logic của sự phát triển kiến thức. Quá trình hướng dẫn bài học, giáo viên luôn phải liên hệ kiến thức với thực tế, từ đó học sinh thấy giá trị thực của học tập. Giáo viên giao cho học sinh, nhóm học sinh những bài tập thực hành và việc giải quyết nó đòi hỏi phải có suy luận, tích hợp kiến thức đã học, biết quan sát và làm ra sản phẩm. Tức là “học qua làm”. Giáo viên chủ động cùng nhà trường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Theo cách, giáo viên là người chỉ đạo, kiểm tra, còn học sinh tự quản, tự đánh giá kết quả đạt được theo các mục tiêu và kế hoạch đã thống nhất.
Dạy học đổi mới, không chỉ khó vì đó là cái mới mà cái khó hơn chính là cần điều chỉnh cách dạy học cũ bằng cách dạy học mới. Trong đó, lý luận cho dạy học đổi mới được dựạ trên cơ sở của các lý thuyết học tập kinh điển. Nghĩa là dạy học đổi mới không thể bằng kinh nghiệm mà phải bằng các nguyên lý gốc của khoa học giáo dục. Chính vì vậy, nhà trường và xã hội cần hết sức trân trọng sự thay đổi của giáo viên dù là nhỏ nhất và ở mức độ nhiều ít, cao thấp có khác nhau. Từ đó góp ý chân thành với giáo viên, tạo cho họ có niềm tin vào sự thành công của bản thân cũng như góp công sức của mình cho sự nghiệp đổi mới dạy học và giáo dục.
ĐẶNG TỰ ÂN
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT