Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc có diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2, cách Thủ đô Hà Nội 504 km.
Đây là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc với hơn 455 km. Trong đó đường biên giới tiếp giáp với Lào là 414,712 km, với Trung Quốc là 40,86 km; có đường giao thông đi các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Sáng ngày 17/3, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, Điện Biên tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực và du lịch là kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử - văn hóa – du lịch sinh thái khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.
Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn phát triển Điện Biên đến năm 2030 trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng đề nghị Điện Biên cần chú trọng phát triển hệ thống kết nối giao thông, kết nối hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, y tế, giáo dục…, đặc biệt là các dự án động lực, trọng tâm, trọng điểm bởi đây là cơ sở vững chắc để xây dựng quy hoạch vùng Tây Bắc và quy hoạch Quốc gia…
Do quy hoạch mới được thông qua nên chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển tỉnh Điện Biên trong tương lai được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Thành phố Điện Biên Phủ trong tương lai sẽ xây dựng trở thành đô thị xanh-sạch-văn minh, hoàn thành tiêu chí đô thị loại II, hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng dự kiến đầu tư xây dựng tuyến đường sắt nội đô liên kết thành mạng lưới đường sắt vận tải hành khách công cộng hoàn chỉnh theo mạng vòng vùng lòng chảo kết hợp phục vụ du lịch.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân/người đạt trên 113 triệu đồng (theo giá hiện hành); giảm tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều xuống còn dưới 8%...
Theo quy hoạch, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên ba trụ cột chính là du lịch lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Tỉnh cũng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay có phố đi bộ. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% GRDP của tỉnh.
Theo mục tiêu đề ra đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc. Tỉnh cũng định hướng phát triển, xây dựng tổ hợp khu du lịch hồ Pá Khoang có sân golf ở thành phố Điện Biên Phủ với diện tích 2.400 ha.
Ngoài ra hệ thống các khu tổ hợp sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí có quy mô lớn cũng được xây dựng ở các huyện Mường Nhé và huyện Điện Biên...để phát triển du lịch đẳng cấp vùng ngoài thành phố.
Đến năm 2050, Điện Biên phấn đấu phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, hướng tới đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0. Thị xã Mường Lay tập trung phát triển thành trung tâm du lịch sinh thái của vùng phía Bắc tỉnh, xây dựng các cơ sở phục vụ du lịch, tạo các sản phẩm du lịch đa dạng gắn với văn hóa bản địa. Du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe, tắm khoáng nóng sẽ được định hướng xây dựng ở hồ Pá Khoang, lòng hồ thị xã Mường Lay, U Va, Hua Pe, suối khoáng nóng Bản Sáng.
Tại buổi họp công bố quy hoạch mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, Điện Biên cần phải tiếp tục phát huy và khai thác tiềm năng để đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch tỉnh về văn hóa, lịch sử, sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên, giải trí trong tiểu vùng Tây Bắc, với hạt nhân là khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ.
Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố Điện Biên Phủ sẽ xây dựng Nhà hát tỉnh, bảo tàng, bể bơi với quy mô 1.000 chỗ ngồi. Bên cạnh đó tiếp tục đầu tư xây dựng sân vận động, nâng cấp nhà trưng bày Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Về phát triển hạ tầng giao thông, giai đoạn 2030, Cảng hàng không Điện Biên Phủ được nâng cấp lên là cảng hàng không quốc tế, đạt lưu lượng 30 vạn hành khách/năm. Đến năm 2050, Điện Biên là trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc.
Tỉnh Điện Biên cũng định hướng xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1, lối mở A Pa Chải - Long Phú.
Sau năm 2030, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt quốc gia liên vận Hà Nội – Điện Biên phía Tây có nhà ga tại xã Thanh Nưa. Xây dựng mới hệ thống ga liên hoàn, các công trình đầu mối đường sắt kết nối liên thông giữa các tuyến vận tải.
Để thực hiện các mục tiêu, tỉnh Điện Biên sẽ phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng. Trong đó, trục phát triển kinh tế dọc theo quốc lộ 6 là trục kết nối thị xã Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo cùng các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội); kết hợp với tuyến đường tỉnh 139, đường tỉnh 146, đường tỉnh 149B tạo thành trục vành đai phía Đông của tỉnh liên kết các huyện, tăng cường giao lưu giữa khu vực phía Bắc và phía Nam của tỉnh...
Bên cạnh đó, Điện Biên tập trung phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại…
Nguồn: CafeF.vn