489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ngày đầu hoạt động

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ngày đầu hoạt động

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định nằm tại một căn nhà ba tầng xây dựng năm 1963 trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ngôi nhà từng là nơi hoạt động bí mật của biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai). Sau năm 1975, chủ nhà chia làm ba căn để bán cho những người khác. Hiện, gia đình ông Trần Văn Lai đã mua lại một phần trệt và hai tầng còn lại để xây dựng bảo tàng.

"Cha tôi cũng là một người lính biệt động nên chúng tôi cố gắng sưu tầm từng hiện vật để lưu giữ lại các giá trị lịch sử, mở một điểm tham quan mới cho người dân, khách du lịch khi đến Sài Gòn", ông Trần Vũ Bình (đại diện bảo tàng, con trai ông Năm Lai) cho biết.

Bảo tàng bắt đầu xây dựng, sưu tập hiện vật từ cuối năm 2019, hiện có khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động.

Căn nhà được giữ nguyên kiến trúc. Trong thời chiến, địa điểm này là nơi thực hiện các nhiệm vụ bí mật của Biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu.

Lối lên bảo tàng bằng một thang máy cổ, có từ khi căn nhà được xây dựng. Cửa thang máy làm bằng sắt với hoa văn tinh xảo, thùng gỗ, khắc nhiều họa tiết.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định trưng bày các bộ sưu tập hiện vật theo chủ đề vũ khí, xe cộ, vật dụng sinh hoạt, thiết bị thông tin liên lạc.

Hiện vật có số lượng nhiều là bộ sưu tập các loại vũ khí, bom đạn từng sử dụng trong những trận đánh. Đi kèm là hình ảnh của một số cuộc tập kích vào đối phương của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Nổi bật là khẩu cối 82 mm từng được sử dụng để bắn vào trụ sở, nơi làm việc của tướng Westmoreland, ngày 13/2/1967. Tướng Westmoreland từng giữ chức Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ năm 1964 đến 1968.

Tấm bản đồ cỡ lớn mô tả các mũi tấn công của Biệt động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Phía dưới là các hình thức giấu vũ khí, tài liệu.

"Dưới vỏ bọc lái xe chở trái cây, cha tôi từng giấu nhiều vũ khí, thư tín để vận chuyển vào trung tâm Sài Gòn. Nay nhìn lại các kỷ vật của lính biệt động, tôi rất tự hào về công việc cha đã làm", ông Nguyễn Trường Phong, 65 tuổi (góc trái) cho biết.

Chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 từng được nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) sử dụng để mang tài liệu.

 

Chiếc máy đánh chữ trong văn phòng của tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại sau ngày thống nhất đất nước. Đây là kỷ vật của một bộ đội tặng lại cho bảo tàng.

Máy in truyền đơn của ông Đỗ Miễn dùng để in ấn tài liệu.

Nhiệt vật dụng sinh hoạt như lon sữa Guigoz, đồ dựng thức ăn, bình nước, đèn Manchon được chiến sĩ biệt động tận dụng để cất thư mật, tiền vàng, thuốc men trong kháng chiến.

Một căn phòng làm nơi trưng bày các vật dụng, hình ảnh mà gia đình ông Trần Văn Lai từng sử dụng trong suốt thời gian hoạt động bí mật.

Trong ngày khánh thành, bà Nguyễn Thị Phượng, 71 tuổi, tặng bảo tàng chiếc máy đánh chữ từng sử dụng những năm 1969 - 1975. Thời gian này bà làm văn thư cho Bộ chỉ huy quận khu, chuyên đánh công văn, chỉ thị, nghị quyết đến các đơn vị.

Khách tham quan bảo tàng được xem những bộ phim ngắn về lực lượng biệt động Sài Gòn trình chiếu. Bảo tàng đón khách từ 7h30 đến 17h suốt tuần.

 
Hầm vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn
 
Căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP HCM) là một địa điểm khác nơi lực lượng biệt động Sài Gòn đào hầm cất giấu vũ khí, chuẩn bị cho trận đánh vào Dinh Độc Lập trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Video: Đình Phúc (thực hiện năm 2015).

Quỳnh Trần

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ