489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Phòng Truyền thống - nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử Thông tấn

Phòng Truyền thống - nơi tái hiện và lưu giữ lịch sử Thông tấn

Ngày 15/4/2015, tại trụ sở Trung tâm thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), TTXVN đã tổ chức khai trương Phòng Truyền thống của TTXVN, công trình kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành. 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đến dự. Về phía TTXVN có Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi, các đồng chí nguyên là Tổng Giám đốc TTXVN qua các thời kỳ, các Phó Tổng Giám đốc cùng nhiều đại diện các đơn vị trong ngành. 

Nơi lưu giữ lịch sử ngành

Phòng Truyền thống trưng bày gần 200 hiện vật và 270 bức ảnh, được chia thành 6 chủ đề chính, kể từ những ngày đầu tiên thành lập ngành cho đến nay, gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với TTXVN; TTXVN trong giai đoạn từ 1945 - 1954; TTXVN trong giai đoạn từ 1954 - 1975; TTXVN từ 1975 đến nay; Tri ân liệt sĩ và TTXVN với bạn đọc, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. 

 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi và các đại biểu tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ của TTXVN. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày là một câu chuyện kể đầy sinh động về những đóng góp của các thế hệ cán bộ, phóng viên của TTXVN. Đó là những hình ảnh, hiện vật, những bút tích thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của Bác Hồ kính yêu, của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ. Dù ở chiến khu cách mạng Việt Bắc hay ở Thủ đô Hà Nội những ngày đang có chiến tranh ác liệt, Bác Hồ đã ân cần chỉ dạy cách viết tin, chụp ảnh, tự tay biên tập từng từ, từng câu, sửa các bản dịch và cách phiên âm tiếng nước ngoài trên bản tin của TTX. 
 

Cũng trong ngày 15/4, tại Trung tâm TTXVN đã diễn ra buổi giao lưu gặp mặt kỷ niệm 55 năm kết nghĩa TTXVN và Sư đoàn 304, giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Nhân dịp này, Đại tá Nguyễn Văn Dự, Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 304 đã trao tặng kỷ vật quý để trưng bày trong Phòng Truyền thống. 

Đó là bản tin mang ký hiệu viết tắt là VNTTX, VNA, AVI, những bản tin đầu tiên do Việt Nam Thông tấn xã phát đi ngày 15/9/1945, từ đài vô tuyến điện Bạch Mai, phát đi toàn thế giới và trong nước với nội dung: Danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Anh thông báo với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Từ đó, ngày 15/9/1945 được xem là ngày truyền thống của TTXVN. Hay những hình ảnh, hiện vật, những bản tin giúp người xem hình dung được trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ và ác liệt, TTXVN đã đồng hành cùng dân tộc 21 lần di chuyển để tránh sự lùng sục, phát hiện của địch, trong đó có 3 lần phá vòng vây giặc, rút lên Chiến khu Việt Bắc. 

Tổ hợp nghệ thuật mô phỏng hình ảnh các phóng viên TTXGP đang tác nghiệp trong căn chòi lợp lá đơn sơ, với chiếc võng dù, hộp đựng máy được chế từ hòm đạn đại liên, máy phát điện quay tay, máy thu phát tin… trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những điểm nhấn của trưng bày lần này. Được biết, để mô hình được hoàn thiện, lá trung quân để lợp căn chòi được lấy từ chính cánh rừng nơi TTXGP đóng quân, do các phóng viên cơ quan thường trú tại Tây Ninh gửi ra. 
 

Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Đại tá Nguyễn Văn Dự trao kỷ vật cho Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Một không gian riêng, trang trọng trong Phòng Truyền thống của TTXVN được dành để tri ân những nhà báo - liệt sỹ đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ, quên mình vì sự nghiệp thông tấn, vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những hình ảnh về các thế hệ TTXVN luôn chăm lo tới công tác đền ơn đáp nghĩa, coi đó là trách nhiệm và cũng là tình cảm sâu nặng… 

Tri ân các thế hệ đi trước

Phát biểu tại lễ khánh thành Phòng Truyền thống, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Trong hai cuộc kháng chiến, VNTTX đã gửi vào chiến trường hơn 450 cán bộ, chiến sĩ thông tin, chưa kể hàng trăm lượt cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật đi theo bộ đội, trực tiếp tham gia các mũi tiến công quân sự khắp các chiến trường Trung - Nam Bộ, Lào, Campuchia. Hơn 260 người con của TTXVN đã hy sinh để có những dòng tin, bức ảnh mang “lửa chiến sự”. Chính những cống hiến, hy sinh đó đã góp phần làm nên vinh dự to lớn cho TTXVN: Trong các cơ quan báo chí trong nước, TTXVN là cơ quan đầu tiên được phong tặng hai danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. TTXVN cũng được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác. 

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi khẳng định: Những trang sử quang vinh được xây đắp từ máu và mồ hôi, công sức của các thế hệ trong ngành thông tấn đã được đúc kết để giới thiệu với đông đảo công chúng tại Phòng truyền thống TTXVN - công trình mà ngành đã dồn tâm sức thực hiện thời gian qua. 

“Hướng tới dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành, việc khánh thành công trình Phòng Truyền thống TTXVN chính là lời tri ân các thế hệ đi trước, những người đã không tiếc máu xương và mồ hôi, nước mắt, xây đắp nền móng ngôi nhà Thông tấn vững chắc và có quy mô như ngày nay. Đây là một hình thức giáo dục sinh động, có tính thuyết phục cao đối với thế hệ trẻ về truyền thống vẻ vang của TTXVN và cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta về niềm vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao khi đứng trong đội ngũ của cơ quan thông tấn quốc gia”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Phương Lan

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ