Theo thông báo của Cơ quan Kiểm soát và Di trú Singapore, du khách có thể chọn làm thủ tục nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng dữ liệu sinh trắc học tại sân bay Changi. Đây là một phần của chương trình thử nghiệm hệ thống thông quan không cần hộ chiếu mới. Dự kiến chương trình được triển khai dần tại tất cả các nhà ga của sân bay Changi trong thời gian tới.
Chương trình áp dụng với "cư dân" bao gồm công dân Singapore, người có quyền thường trú và người sở hữu hộ chiếu dài hạn. Chương trình sẽ được mở rộng ra tất cả các nhà ga tại sân bay Changi vào tháng 9 năm nay và được thực hiện tại sân bay Seletar và Trung tâm du thuyền Marina Bay vào tháng 12/2024, theo Nikkei Asia.
Theo chương trình nhập cảnh không cần hộ chiếu, cư dân Singapore không cần xuất trình giấy tờ tại các trạm kiểm soát hàng không và đường biển. Người nước ngoài cũng có thể tham gia chương trình, nhưng chỉ khi xuất cảnh Singapore. Du khách nước ngoài cần đăng ký sinh trắc học ở mống mắt, khuôn mặt và dấu vân tay tại các quầy nhập cư thủ công. Trẻ em dưới 6 tuổi không được phép sử dụng hệ thống thông quan sinh trắc học hoặc các làn đường tự động.
Du khách có thể chọn làm thủ tục nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bằng dữ liệu sinh trắc học tại sân bay Changi.
Thủ tục nhập cảnh không cần hộ chiếu là một phần của "khái niệm thủ tục nhập cảnh mới", đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên kiểm tra hộ chiếu do con người thực hiện, điều mà Singapore đã mong muốn từ lâu. Đến đầu năm 2026, Cơ quan Kiểm soát Nhập cư Singapore dự kiến 95% du khách sẽ sử dụng các làn tự động để làm thủ tục nhập cảnh, trong khi 5% còn lại là những người không đủ điều kiện, ví dụ như trẻ nhỏ.
Mặc dù có một số ý kiến phản đối về việc xử lý sinh trắc học do lo ngại rủi ro, các nhà chức trách cho rằng đây là nỗ lực của Singapore nhằm tăng cường an ninh biên giới và nâng cao trải nghiệm của du khách, với dự đoán rằng việc xử lý sinh trắc học sẽ giảm thời gian chờ nhập cảnh xuống 40%. Ông Sumesh Patel, chủ tịch SITA khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán khoảng 85% sân bay thế giới sẽ sử dụng một số hình thức xử lý các thủ tục bằng sinh trắc học trong 3 đến 5 năm tới.
Tương tự, sân bay quốc tế Abu Dhabi, UAE, nơi nổi tiếng với cơ sở hạ tầng công nghệ cao, đang triển khai dự án du lịch thông minh khi lắp đặt cảm biến sinh trắc học tại mọi điểm kiểm tra nhận dạng, từ quầy làm thủ tục đến quầy nhập cảnh, hoàn thuế, phòng chờ của hãng bay và cổng lên máy bay. Sau khi hoàn thiện dự án, hành khách không cần xuất trình giấy tờ, chỉ cần đi qua các máy nhận dạng khuôn mặt hoặc mống mắt.
Hiện tại, công nghệ này đã được sử dụng tại một số khu vực nhất định ở sân bay. Tuy nhiên, Abu Dhabi tham vọng mở rộng hệ thống tại toàn sân bay để giúp hành khách làm thủ tục nhanh gọn nhất có thể. "Chúng tôi đang lắp đặt 9 điểm nhận dạng và là sân bay đầu tiên trên thế giới làm điều này", Andrew Murphy, giám đốc thông tin tại sân bay Abu Dhabi cho biết. Sân bay đã nhận được các phản hồi tích cực, nhiều người cho biết nhờ hệ thống nhận dạng tự động, thời gian họ đi từ sảnh vào cổng máy bay chỉ mất 15 phút.
Tại Mỹ, Cục Hải quan và Biên phòng cũng đã triển khai công nghệ sinh trắc học tại các khu vực đến của 96 sân bay quốc tế. Tại điểm khởi hành, Mỹ đã áp dụng công nghệ này ở 53 địa điểm. Năm ngoái, hãng hàng không British Airways đã thử nghiệm chuyến bay quốc tế đầu tiên tích hợp đầy đủ nhận dạng kỹ thuật số. Ngoài ra, sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo Narita, Tokyo Haneda (Nhật Bản) và Indira Gandhi (Ấn Độ) đã áp dụng công nghệ sinh trắc học tại một số điểm nhất định trong quá trình xuất nhập cảnh.
Sân bay quốc tế Abu Dhabi, UAE, đang triển khai dự án du lịch thông minh khi lắp đặt cảm biến sinh trắc học tại mọi điểm kiểm tra nhận dạng.
Cụ thể, hệ thống làm thủ tục trước tại Nhật Bản sẽ cho phép du khách hoàn tất hầu hết các cuộc kiểm tra nhập cảnh ngay tại các sân bay khởi hành. Những người đã hoàn tất thủ tục sẽ được rút ngắn thời gian khi chỉ cần làm thủ tục nhập cảnh đơn giản tại các sân bay Nhật Bản. Chính phủ có kế hoạch triển khai chương trình này dành cho du khách đến từ Đài Loan (Trung Quốc), bắt đầu từ tháng 1/2025, sau đó sẽ mở rộng phạm vi đến du khách từ các nước khác.
Tháng 7 vừa qua, Diễn đàn Du lịch và Giao thông Australia (TFF) cũng đã đề xuất những cải cách cho việc đi lại giữa 2 nước Australia và New Zealand, gồm: sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để loại bỏ việc xuất trình thẻ lên máy bay và hộ chiếu, giúp đẩy nhanh quá trình thông quan.
Trong báo cáo tháng 10/ 2023 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), 46% số người được hỏi cho biết họ đã từng sử dụng công nghệ này tại một sân bay trước đây. Cũng trong khảo sát cho báo cáo này, 75% hành khách cho biết họ muốn sử dụng dữ liệu sinh trắc học, thay vì hộ chiếu giấy và thẻ lên máy bay. Trong khi 25% số người còn lại, những người có thể cảm thấy không thoải mái với công nghệ, việc thực hiện xác minh hành khách theo cách truyền thống cũng là một lựa chọn.
"Nếu ai đó chỉ đi du lịch hai hoặc ba năm một lần, đây là trường hợp đa số, thì trên thực tế, họ có thể thích sự làm thủ tục trên giấy tờ nhiều hơn để được hướng dẫn cụ thể. Tôi nghĩ rằng điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn cá nhân để mang đến cho khách hàng sự thoải mái nhất", Louise Cole, Giám đốc bộ phận trải nghiệm và hỗ trợ khách hàng của IATA cho biết.
75% hành khách cho biết họ muốn sử dụng dữ liệu sinh trắc học, thay vì hộ chiếu giấy và thẻ lên máy bay.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã áp dụng công nghệ sinh trắc học và xác thực CCCD gắn chip tại 3 sân bay. Dựa trên kết quả triển khai tại 3 sân bay trên, ACV sẽ nhân rộng ra các sân bay còn lại, đồng thời kết nối nền tảng định danh điện tử của Bộ Công an với hệ thống làm thủ tục hàng không của ACV. Đối với việc làm thủ tục bay quốc tế, ACV đang tiếp tục nghiên cứu, phấn đấu triển khai thí điểm trong năm 2024.
Để thực hiện các bước xác thực đi máy bay, hành khách cần có thẻ CCCD gắn chip, mã đặt chỗ PNR và đồng ý chia sẻ thông tin dữ liệu cá nhân và nhận diện khuôn mặt. Tại quầy làm thủ tục (điểm chạm thứ nhất) hành khách sẽ sử dụng máy đọc CCCD gắn chip và camera nhận diện khuôn mặt.
Điểm chạm thứ hai là cổng tự động tại khu vực kiểm soát an ninh và điểm chạm thứ ba là cổng tự động tại khu vực kiểm tra hành khách lên máy bay. Cục Hàng không lưu ý quy trình nhận diện hành khách bằng xác thực sinh trắc học cần tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.