489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 6: Báu vật hồi hương

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 6: Báu vật hồi hương

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 6: Báu vật hồi hương - Ảnh 1.

Ngoài chiếc mũ quan và áo kiểu Nhật Bình thời Nguyễn đạt kỷ lục đấu giá đã được một tập đoàn đem về tặng cho Huế, một chiếc bàn sứ tuyệt đẹp cũng đặc biệt thu hút người xem...

Mục sở thị vật quý

Ngày 17-4, sau khi tiếp nhận hai hiện vật quý triều Nguyễn, Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đã tổ chức trưng bày chiếc mũ quan triều Nguyễn và chiếc áo kiểu Nhật Bình tại Điện Long An và đã thu hút đông đảo người xem với nhiều lời trầm trồ. 

Áo và mũ đều còn khá nguyên vẹn, thuộc hàng quý hiếm, được một tập đoàn mua đấu giá từ Tây Ban Nha đưa về nước tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế, với thông cáo tổng mức kinh phí khoảng 35 tỉ đồng - được xem đắt gấp nhiều lần so với giá cả trên thị trường cùng loại.

Chiếc áo nữ nhân được một nhà nghiên cứu đoán định ban đầu là áo cư tang công chúa thời Nguyễn, tức trang phục của công chúa trong giai đoạn để tang. 

Phần lớn ý kiến cho rằng: nếu trong hoàng cung là trang phục của cung tần, cấp khoảng "ngũ - lục phẩm"; còn nếu của các mệnh phụ quan lại thì cấp khoảng "tứ - ngũ phẩm".

Khác với những thông tin được phỏng đoán qua ảnh chụp trước đó, chiếc mũ khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến với sự nguyên vẹn, tuyệt đẹp. Mũ được đoán định thuộc hàng quan nhất phẩm trở lên. Cốt mũ mã vĩ (lông đuôi ngựa đan) còn hoàn hảo. 

Điều đặc biệt chính ở trang sức bằng vàng đính trên mũ được xác định là "đồ cổ xịn", tuyệt đẹp. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhất định so với mũ quan cùng cấp thường thấy: trang sức dày dặn hơn, hoa văn nhiều hơn và nhất là những hoa văn nạm ngọc giữa trán mũ rõ trông "lai Tây"... 

Điều đặc biệt này được nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn phỏng đoán có thể do triều đình Huế tặng chánh sứ phái bộ liên quân Pháp - Tây Ban Nha khoảng giữa thế kỷ 19. Do vậy, hoàn toàn có khả năng mũ được lưu giữ, truyền đời trong gia đình các "quan Tây" và sau này con cháu đem ra bán.

Với chiếc mũ này, trang sức vàng ngọc quý giá đã đành, sự quý giá đặc biệt vẫn nằm ở cốt mũ mã vĩ vẹn nguyên của nó. Môi trường khí hậu khô ráo ở phương Tây có thể đã bảo quản nó ở mức "trên cả tuyệt vời". 

Ngược với trong nước, có hàng loạt mũ miện hiện còn nhưng cốt mũ phần lớn trong tình trạng mục mủn hoặc rách nát hoàn toàn. Thậm chí có trường hợp như bốn chiếc mũ mà chính phủ cách mạng tiếp nhận từ vương triều Nguyễn, về sau giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, gồm nữ trang và những mảnh mã vĩ mục mủn khi mở niêm phong. 

Năm 2010, trong suốt 11 tháng, nghệ nhân Vũ Kim Lộc ở TP.HCM đã phục hồi được bốn bảo vật trong sự ngưỡng mộ, khâm phục của nhiều người...

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 6: Báu vật hồi hương - Ảnh 3.

Chiếc mũ quan được một tập đoàn mua đấu giá ở Tây Ban Nha đem về tặng Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc bàn số phận lạ lùng

Cạnh mũ áo quý, trong Điện Long An còn trưng bày khá nhiều hiện vật quý hiếm thời Nguyễn, phần lớn sau bao nhiêu năm lưu lạc nhiều nơi trên thế giới đã được người yêu cổ vật sưu tầm và tặng lại cho Huế. 

Đó là cái tô ký kiểu thời Gia Long hiệu đề Giáp Tý niên chế (1804) vẽ bài văn chữ Hán Gián Thái Tông thập tư sớ, tức mười điều nghĩ can gián vua Đường Thái Tông của Ngụy Trưng (580 - 643), do một nhà sưu tầm hiến tặng, đang có giá hàng trăm triệu đồng. 

Sách Thánh chế thi lục tập, quyển 10, in 39 bài thơ của Nguyễn Thánh tổ - Minh mạng, do ông bà Andue de Cuozet (người Pháp) hiến tặng. 

 

Chiếc áo thường triều của quan văn triều Nguyễn và chiếc quần xưa do ông bà Philippe Jacquot hiến tặng. Cuốn sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger ấn hành nửa đầu thế kỷ 20 và cặp ngà voi dựng trên đế gỗ chạm nổi hình rồng sơn thếp màu ngũ sắc do ông Lê Thái và bà Bùi Cẩm Hà (Việt kiều Pháp) hiến tặng.

Thu hút hơn cả, có thể nói, là chiếc bàn gỗ sơn son thếp vàng, mặt bàn bằng sứ được giới thiệu là "hiện vật của Việt kiều Pháp hiến tặng năm 1998". 

Thực ra, trong bài viết Mạnh Thường Quân giả hiệu (sách Nửa đời còn lại), cụ Vương Hồng Sển diễn tả khá kỹ: "Cái bàn lùn, chưn thấp ở dưới, sơn son thếp vàng và trên mặt bàn là một miếng sứ vuông có vẽ sơn thủy và chữ bùa...". Điều đáng nói, không như bảo tàng giới thiệu, cách thức hồi hương của chiếc bàn vô cùng đặc biệt.

Nguyên xưa bàn nằm trong cung vua Nguyễn, có thể là bàn trình quốc thư, sau đó lưu lạc vào một tay buôn ở Sài Gòn. 

Theo lời cụ Vương, trước năm 1975: "Bàn nầy tôi mua nơi nhà buôn đồ cổ do ông Hoàng Đàn làm chủ, nơi xóm Đinh Tiên Hoàng, Đakao, Sài Gòn, hiện tôi đã quên địa chỉ. Bàn có đặc điểm lạ là đặt bàn ở nơi nào thì vài hôm sau, trọn vuông phòng có hương trầm thơm ngào ngạt. 

Khi mua được, chở về Cophavina, chủ nhân đặt bàn nầy nơi phòng khách, rồi khi nghe tôi cắt nghĩa đặc điểm mùi trầm, chủ nhơn dời bàn qua phòng chứa sách, phòng nầy có máy lạnh, và hôm sau, mở cửa phòng, quả nhiên hương trầm tỏa ra thơm phức. Sở dĩ có như vậy, xét ra vì bàn nầy trước ở nơi Đại nội cung vua, trầm đốt liên miên nên bàn nhiễm hương trầm như vậy".

Số phận kỳ lạ của báu vật thời Nguyễn - Kỳ 6: Báu vật hồi hương - Ảnh 4.

Chiếc áo mệnh phụ kiểu Nhật bình của nữ nhân thời Nguyễn “lưu lạc” ở trời Tây nay đã về với Huế. Ảnh: THÁI LỘC

Hiện vật thắng kiện

Bạn cụ Vương đưa bàn sang Pháp. Năm 1988, người này đưa bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (bleu de Huế) ra đấu giá tại khách sạn Hôtel Druot, Paris (Pháp) và bị cựu hoàng Bảo Đại phát hiện, đòi lại không được, sau đó mới báo cho phía Việt Nam đòi. 

Cụ Vương viết: "Câu chuyện kéo dài, ông vua mất ngôi Bảo Đại tranh chấp, rằng các vật ấy là của triều đình nhà Nguyễn Phước, và một mặt khác, Nhà nước ở Hà Nội cũng ngăn cản rằng của ấy nay thuộc quốc gia Việt Nam, nhưng tóm lại cả hai đứng đầu tranh cãi đều thất lý, và tòa án Pháp đã xử cho phép Hôtel Druot phát mãi, viện lẽ những vật ấy mua nơi mấy nhà buôn có môn bài (tức không gian)...".

TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế (nay là Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế), cho biết cuộc đấu giá diễn ra vào ngày 6-12-1988, lô đồ gồm 288 món cổ vật của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, do chủ nhân lấy bí danh là "Monsieur X." ủy thác. 

Vua Bảo Đại đã đâm đơn kiện lên một tòa án dân sự ở Paris với lý do của nhà Nguyễn bị đánh cắp. Đơn kiện bị bác vì tòa cho rằng cựu hoàng không đại diện được cho phía Việt Nam. Chính quyền TP Huế, đại diện cho phía Việt Nam, sau đó vào cuộc kiện tụng.

"Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi theo luật của Pháp, bất kỳ của cải bất minh nào mà không có ai tranh chấp, thưa kiện thì sau 30 năm sẽ mặc nhiên thuộc quyền sở hữu của người đang giữ của cải đó. Cổ vật, tác phẩm văn hóa, mỹ thuật cũng vậy. 

Vì thế, cho dù Đại sứ quán Việt Nam có chứng minh được những cổ vật trên thuộc về triều Nguyễn ở Việt Nam, nhưng do trong 30 năm qua không có ai đả động gì về quyền sở hữu những hiện vật này, thì chúng đương nhiên thuộc về "Monsier X." và ông ấy có quyền đưa ra bán đấu giá.

Tuy vậy, do phía Việt Nam trưng ra những bằng chứng xác thực về nguồn gốc chiếc bàn trà và bộ đầu hồ của vua Tự Đức nên tòa án đã cho phép đương sự có một thỏa thuận. 

Đó là "Monsier X." trả lại hai cổ vật trên cho Việt Nam, còn mấy chục món đồ sứ ký kiểu, đồ ngà, đồ bạc ngự dụng của triều Nguyễn thì ông ta được quyền bán đấu giá" - TS Trần Đức Anh Sơn cho hay.

THÁI LỘC 

HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ