Thanh Chương tích cực
Cuối tháng 11.2017, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội đã khai trương Không gian Khám phá với nhiều góc đọc sách và trải nghiệm STEM do UNESCO và nhiều tình nguyện viên trong và ngoài nước cùng tham gia tài trợ và đóng góp công sức trí tuệ để hoàn thiện. Các chuyên gia của UNESCO và khách mời tham dự buổi lễ hôm đó đặc biệt chú ý đến góc trưng bày các sản phẩm STEM sử dụng vật liệu tái chế của các trường học ở huyện miền núi Thanh Chương tỉnh Nghệ An, nơi có con đường Trường Sơn huyền thoại trên biên giới Việt - Lào chạy qua.
Các chuyên gia nước ngoài còn ngạc nhiên hơn khi biết rằng, cả 88 trường phổ thông ở cả ba cấp học của huyện Thanh Chương đều có Câu lạc bộ STEM với sự tham gia của hàng ngàn thầy cô giáo và học sinh. Họ cũng rất ngạc nhiên khi biết tin 20 học sinh Thanh Chương vừa thử tham gia thi AMC-8, cuộc thi Vô địch toán học lớp 8 của học sinh Hoa Kỳ ngay tại Thanh Chương dưới sự bảo trợ của thầy Lê Anh Vinh - người Việt Nam đầu tiên nhận học vị tiến sĩ toán học ở ĐH Harvard nổi tiếng của Hoa Kỳ.
Các bạn nước ngoài đặt câu hỏi, tại sao ở một huyện biên giới xa xôi, thời chiến tranh là vùng hứng bom như Thanh Chương lại phổ cập được giáo dục STEM để cho nhiều học sinh và giáo viên chạm tay vào cuộc cách mạng 4.0 vui vẻ đầy thú vị mà không e ngại? Ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh có bao nhiêu nơi làm được như ở Thanh Chương trong triển khai giáo dục STEM?
Cách đây gần một năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai chỉ thị rất quan trọng đối với giáo dục, chỉ thị thứ nhất về việc thúc đẩy văn hoá đọc trong toàn xã hội, chỉ thị thứ hai về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Công nghiệp 4.0), trong đó giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục triển khai giáo dục STEM ở trong trường phổ thông.
Có thể hơi… buồn, nhưng cần phải nói tới một thực tế là chỉ có vài huyện trong số 700 huyện của cả nước tích cực thực hiện hai chỉ thị đầy quyết tâm khai trí của Thủ tướng Chính phủ và Thanh Chương là một trong số huyện tích cực đó.
Đầu năm 2017, UBND huyện Thanh Chương và Phòng GD&ĐT đã bàn bạc với các cựu học sinh và những người Thanh Chương xa quê thông qua Facebook kêu gọi tất cả các tấm lòng yêu quê và các nhà hảo tâm quyên góp được quỹ 1,2 tỉ đồng đợt 1 để mua hơn 500 tủ sách tặng cho hơn 500 lớp học. UBND huyện mở đường, Phòng GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn còn các cựu học sinh lo góp quỹ, mua sách công khai minh bạch và mang về quê để bàn giao cho các trường. Nạn đói sách đọc thêm ở hơn một nửa số lớp học được đẩy lùi, tiến tới cuối năm 2018 sẽ có 100% lớp học có tủ sách đọc thêm ngoài sách giáo khoa.
Tập huấn robot cho các giáo viên ở Thanh Chương. Ảnh: BÙI BÍCH NGÂN
Trong quá trình bàn giao các tủ sách lớp học, các cựu học sinh Thanh Chương đã khuyên lãnh đạo huyện Thanh Chương mời Liên minh STEM giúp huyện tập huấn giáo dục STEM cho lãnh đạo huyện và giáo viên theo nhiều đợt và cấp độ.
Tham gia tập huấn phổ cập kiến thức về Cách mạng 4.0 và giáo dục STEM lần đầu có hơn 30 người gồm có một số lãnh đạo của UBND huyện, Huyện ủy, Phòng GD&ĐT và một số hiệu trưởng các trường THPT và THCS lớn trong 10 cụm (Thanh Chương với diện tích hơn 1000 km2, gấp 1,5 lần Singapore nên có tới 40 xã và được chia làm 10 cụm).
Sau 5 tiết học, trong đó có tiết học thực hành lập trình robot theo công nghệ KÉO - THẢ dùng phần mềm mở miễn phí bản quyền Scratch, ông Trình Nhã, Phó Chủ tịch huyện đã nhận thấy STEM rất gần gũi thiết thực, dễ hiểu dễ tiếp cận và không cần chi phí đầu tư cao nếu biết cách.
Phát biểu bế mạc hội thảo, ông phó chủ tịch đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT lên kế hoạch để tập giáo viên theo nhiều đợt để phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho 100% giáo viên tất cả các môn học ở trong toàn huyện.
Sau vài tuần, huyện đã mời TS Đặng Văn Sơn cùng thầy Hoàng Vân Đông và 16 thầy cô giáo của Liên minh STEM về tập huấn cho gần 400 giáo viên và các hiệu trưởng của cả 88 trường, trong đó gần 300 giáo viên được tập huấn chuyên sâu hơn trong 15 tiết học nâng cao (chủ yếu là thực hành làm các sản phẩm theo bài học và thực hành viết giáo án) để bước đầu tiếp cận ba trụ cột của giáo dục STEM là:
• STEM theo sách giáo khoa
• STEM sử dụng vật liệu tái chế
• STEM robot
Lần đầu tiên trong đời, các thầy cô được tự tay lập trình cho robot chạy theo ý của mình và thấy không có gì thật phức tạp, giá của robot dùng bo mạch mở Arduino và phần mềm mở Scratch (không phải trả bản quyền) chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, mỗi phòng lab robot chỉ cần 2-3 con robot là có thể mở CLB STEM robot.
Sau khi huyện tổ chức tập huấn quy mô như vậy thì mỗi trường có 3 người có thể dạy được STEM và các CLB STEM bắt đầu được thành lập, việc dạy học STEM trên diện rộng của toàn huyện đã được bắt đầu, hết học kỳ 1, đã có 100% giáo viên của toàn huyện tức là hơn 2500 thầy cô giáo được tập huấn phổ cập giáo dục STEM theo cách dùng vật liệu tái chế.
Cuối học kỳ 1, huyện Thanh Chương đã kêu gọi sự giúp đỡ của các cựu học sinh, các nhà hảo tâm và sự tự nguyện đóng góp của các phụ huynh học sinh để thành lập được phòng lab robot ở 24/88 trường. Hiện nay, ngoài robot, một số trường đã có thêm máy in 3D và máy cắt CNC dùng laser, mỗi loại máy cũng chỉ có giá vài triệu đồng. Tất cả đều được mua mà không dùng đến ngân sách nhà nước.
Với việc tự trang bị bước đầu như vậy, huyện Thanh Chương đặt mục tiêu có cuộc thi robot trong học kỳ 2 giữa các trường trong huyện.
Trong năm 2018, huyện đặt mục tiêu phổ cập kiến thức lập trình robot cho 100% giáo viên và 100% học sinh của toàn huyện và trang bị thêm phòng lab robot để phủ kín cả 88 trường học. Phổ cập kiến thức (còn gọi là xóa mù) lập trình robot tức là học sinh được học để tự tay lập trình cho robot chạy theo ý của mình. Hiện nay Thanh Chương đã có hơn 120 con robot và khoảng 80 giáo viên dạy được robot nên theo lý thuyết nếu dạy robot với 4 ca trong ngày thì huyện có thể tự phổ cập xoá mù lập trình robot cho 2 ngàn học sinh trong một ngày nếu muốn. Với khoảng hơn 3 vạn học sinh thì việc này là khả thi.
Cũng xin kể thêm, trong số 24 phòng lab robot ở Thanh Chương thì có 7 phòng lab robot ở các xã nghèo khó trên núi cao vùng đồng bào dân tộc là do các thầy cô giáo và một số cá nhân ở Hà Nội quyên góp mua tặng, mỗi phòng lab robot như vậy trị giá 5 triệu đồng.
Học sinh CLB STEM của THCS Hương Tiến huyện Thanh Chương trong giờ học robot. Ảnh: Đ.H.S
Thái Thụy tiên phong
Khi biết về quyết tâm, thực lực cũng như kết quả ban đầu của Thanh Chương (Nghệ An) như đã kể ở trên, nhiều người đặt câu hỏi là có huyện nào trong cả nước làm được như Thanh Chương hay không.
Câu trả lời là huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình, nơi đầu tiên triển khai thành công nguyên lý TỦ SÁCH LỚP HỌC MỞ ĐƯỜNG CHO GIÁO DỤC STEM từ năm 2014.
Từ năm 2012 tới nay, huyện Thái Thụy đã xây dựng được hơn một ngàn tủ sách trong từng lớp học ở cả 96 trường tiểu học và THCS ở 48 xã của huyện theo sáng kiến của Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng.
Năm 2014, sau khi biết các thầy cô ở trường chuyên Hà Nội - Amsterdam triển khai CLB “Em yêu khoa học” dành cho khối 6-7 với chi phí gần như bằng không vì sử dụng vật liệu tái chế làm tên lửa nước, Phòng GD&ĐT Thái Thụy đã tổ chức cho cả 96 trường học tập kinh nghiệm này.
Kể từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, Thái Thụy đều tổ chức ngày hội STEM cấp huyện để tạo sân chơi cho cả 96 trường sôi nổi tham dự.
Hàng năm, huyện Thái Thụy luôn cử giáo viên và học sinh tham gia Ngày hội STEM ở Hà Nội để giao lưu học hỏi. Huyện cũng chủ động mời nhóm của TS Đặng Văn Sơn và thầy Hoàng Vân Đông đào tạo gần một ngàn lượt giáo viên theo các chuyên đề STEM ở các cấp độ khác nhau.
Năm 2018, ngày hội STEM của huyện Thái Thụy sẽ diễn ra trong hai ngày liền, trong đó có một ngày dành cho thi robot giữa 15 trường trong huyện, một ngày còn lại sẽ là sân chơi của 98 trường có các sản phẩm sáng tạo và sản phẩm từ vật liệu tái chế.
Trong hồ sơ gửi UNESCO để đề cử trao giải UNESCO Literacy 2016 cho Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã đánh giá cao những nỗ lực làm tủ sách lớp học và triển khai giáo dục STEM trong toàn huyện Thái Thụy.
Như chúng ta đã biết, Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam đã được UNESCO trao giải thưởng UNESCO Literacy 2016 cùng với 20 ngàn đô la Mỹ giá trị tiền thưởng, năm 2017, chương trình lại được nhận giải thưởng trị giá 5 ngàn đô la của Thư viện Quốc hội Mỹ.
Ngày 4.5.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 16/CT-TTg về việc Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017 - 2018. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.”
Đánh thức trí tuệ làng ở quy mô toàn tỉnh
Hiện nay, trong cả nước có Nam Định và Hưng Yên đã tổ chức tập huấn phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho toàn bộ đội ngũ hiệu trưởng các trường tiểu học và THCS của mỗi tỉnh.
Riêng tỉnh Nam Định đã phổ cập kiến thức giáo dục STEM cho hơn 1000 giáo viên các trường chất lượng cao ở các huyện và cụm xã.
Ở tất cả các huyện đều có ít nhất một phòng lab với 6 con robot và giáo viên dạy robot đã qua các khóa đào tạo nâng cao, đặc biệt là một số trường ở Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường đã cho hàng trăm học sinh học robot và mở các cuộc thi robot.
Chúng ta cũng đã từng được nghe nhiều về tấm lòng của các cựu học sinh Nam Định và Hưng Yên, những người trước kia mang hàng ngàn tủ sách về trường làng theo mệnh lệnh của trái tim yêu quê, còn bây giờ họ vẫn làm như vậy nhưng có thuận lợi hơn vì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và UBND cùng ngành GD ở hai tỉnh đều đã vào cuộc để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mang sách và giáo dục STEM về tới trường làng, nơi đã nuôi dạy họ khôn lớn thành người.
Trong hàng chục buổi tập huấn phổ cập cũng như chuyên đề nâng cao STEM, chúng ta có thể được nghe các phần giảng dẫn đề cho TS Đặng Văn Sơn của lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định, của lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên, chúng ta cũng có thể nghe thấy những chia sẻ tâm huyết của các trưởng phòng GD&ĐT, lãnh đạo các huyện, họ rất cầu thị và chân tình để mời nhóm nhà khoa học, giảng viên đại học về tiếp thêm tri thức cho trường làng.
Những lãnh đạo ở địa phương, phải sống và làm việc gần dân, họ hiểu rằng việc đánh thức được trí tuệ làng luôn là một việc đầy khó khăn, nhưng khó khăn gì thì cũng phải làm bởi cứ mỗi lần đất nước gặp phải thách thức lớn, nếu không kịp đánh thức trí tuệ làng thì chúng ta phải trả giá rất đắt.
Đem tri thức về trường làng như cách mang sách, STEM và mời thầy giỏi về tập huấn giáo viên như cách thức của các cựu học sinh, người xa quê và chính quyền các cấp một số huyện của ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai, Hải Phòng đang làm tăng thêm năng lực đối thoại với tương lai của xã hội chúng ta, họ đang cùng nhau đánh thức trí tuệ làng.
GIÁO DỤC STEM LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ TẠO RA NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO
TS Đặng Văn Sơn (ĐHQG HN) là một chuyên gia có 37 công trình công bố quốc tế theo ISI (với H-index là 10), một nhà khoa học trẻ đầy tâm huyết đã dành thời gian cho giáo dục STEM ở trường làng thông qua việc nhóm do anh dẫn đầu đã đào tạo phổ cập và nâng cấp cho khoảng một vạn lượt giáo viên phổ thông trong đó khoảng hơn 60% là ở khu vực nông thôn. Theo TS Sơn: “Tại Việt Nam, giáo dục STEM là chìa khóa để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề liên quan đến khoa học và công nghệ, đồng thời cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới cách tiếp cận việc dạy và học, giúp người học có kiến thức thực tế và ứng dụng được trong đời sống…”
ĐỖ HOÀNG SƠN