Bài toán tìm cách thu hút, hấp dẫn khách tham quan bảo tàng đã được đưa ra bàn luận tại nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên môn, thu về không ít ý kiến, bài học rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn.
Đẩy mạnh xây dựng, đổi mới nội dung
Trong số hơn 160 bảo tàng trên cả nước, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn nằm trong top đông khách nhất, với bình quân 33.000 lượt khách tham quan/tháng trong năm 2023. Riêng 2 ngày lễ Trung thu vừa qua (28 và 29.9 dương lịch), bảo tàng đã đón hơn 11.000 lượt khách dù thời tiết không thuận lợi.
Bà An Thu Trà - Trưởng phòng Truyền thông và giáo dục Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - cho biết: “Lượng khách đến với bảo tàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội dung trưng bày, công tác truyền thông, vận hành duy trì… Trong đó, việc đổi mới, sáng tạo nội dung trưng bày có vai trò quan trọng”.
Theo đó, điểm nhấn nổi bật của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là không gian trưng bày văn hóa đa dạng, từ Đông Nam Á đến nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đặc biệt, từ cuối năm 2022, bảo tàng chính thức mở cửa Phòng khám phá văn hóa Hàn Quốc, với các hiện vật được chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc sang Việt Nam, kèm theo màn hình trình chiếu lớn, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm.
“Đầu năm 2023, bảo tàng thực hiện cuộc thăm dò ý kiến, kết quả cho thấy khoảng 80-90% bạn trẻ tới bảo tàng thời điểm đó để tham quan phòng Khám phá Văn hóa Hàn Quốc. Vào dịp cuối tuần, du khách phải xếp hàng dài để chờ đến lượt vào trải nghiệm” - bà Trà nói.
Ngoài những không gian cố định, theo bà Trà, các bảo tàng cần tổ chức các sự kiện, chuyên đề riêng, tập trung trưng bày thường xuyên để thu hút khách hàng quay lại nhiều lần.
Tổ chức trưng bày, sự kiện theo chuyên đề kết hợp với các hoạt động nghiệp vụ, truyền thông cũng là giải pháp giúp Bảo tàng Hà Nội thu hút thêm đông đảo du khách trong thời gian qua. Từ tháng 10.2022 đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã trưng bày hàng chục chuyên đề, mở cửa đón công chúng tham quan được 3 trên 4 tầng của bảo tàng.
Kết quả, lượng khách trung bình đến với Bảo tàng Hà Nội tăng lên ở mức 300-500 lượt/ngày. Vào dịp cuối tuần, nghỉ lễ hay khai trương triển lãm mới, bảo tàng có thể đón tới hơn 1.000 lượt khách tham quan/ngày.
Để hấp dẫn thêm nhiều khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là đối tượng khách trẻ, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội - cho biết: “Bảo tàng đã và đang tổ chức nhiều chủ đề, chuyên đề trưng bày, triển khai gắn với các giai đoạn, sự kiện, nhân vật trong lịch sử vẻ vang của dân tộc theo ý tưởng, thiết kế đồ họa chuẩn quốc tế”.
Ứng dụng công nghệ hiện đại
Một số bảo tàng lớn tại Việt Nam cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng cường trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách.
Tiêu biểu, phòng Trưng bày ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã sử dụng máy Hologram trong không gian trưng bày, tạo nên hình ảnh hiện vật và các nhân vật lịch sử trong không gian 3D. Kết hợp với đó là phần mềm tương tác 3600 và công nghệ thực tế ảo (VR), giúp khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật như trong không gian thực ở nhiều góc độ khác nhau.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng sử dụng công nghệ 3D để tái hiện 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Không những vậy, bảo tàng còn kết hợp công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh… cho du khách cảm nhận tính thực tế, chân thật của các nhà tù xưa.
Bà An Thu Trà chia sẻ: “Không chỉ là công cụ tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn du khách, không gian thực tế ảo, tương tác 3D tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn giúp các em nhỏ đến đây có thêm hứng thú học tập, ghi nhớ các hiện vật, sự kiện, nhân vật lịch sử. Nhờ đó, các thầy cô có thể dễ dàng hơn trong việc giảng dạy về văn hóa, lịch sử dân tộc cho các em”.
Ngoài ra, một số bảo tàng còn kết hợp ứng dụng công nghệ để tạo nên các tour tham quan mới phục vụ du khách. Trong đó, có thể kể đến tour tham quan trực tuyến 3D tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…
Nguồn: THỊNH TRANG (Báo Lao Động)