Đông đảo quan khách dự lễ khai mạc triễn lãm
Nhân kỷ niệm 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2022), sáng 5-6, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM phối hợp cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Thừa Thiên - Huế tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Về nơi lưu dấu chân Người” tại Bến Nhà Rồng, nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Bến Nhà Rồng cách nay 111 năm chứng kiến sự ra đi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, để rồi hành trình 30 năm sau đó mở ra một chặng mới trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Hôm nay, tại sảnh trưng bày của địa điểm này, người xem có dịp chiêm ngưỡng và theo dõi hành trình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Huế vào đến Sài Gòn.
Triển lãm giới thiệu ba cụm nội dung:
- Huế - nơi lưu dấu tuổi thơ Người: Trưng bày các hình ảnh về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế, dấu chân anh Nguyễn Tất Thành từ Huế đi dần về phía Nam.
- Sài Gòn TP.HCM những năm đầu thế kỷ XX - nơi Nguyễn Tất Thành đến và đi tìm đường cứu nước: Một số hình ảnh Sài Gòn đầu thế kỷ XX, ảnh tư liệu về các điểm dừng chân lưu trú và các cơ sở có quan hệ với Nguyễn Tất Thành trước khi xuống tàu đi ra nước ngoài.
- Di sản Hồ Chí Minh sống mãi với thời gian: Phát huy giá trị di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế và tại TP.HCM.
Với triển lãm lần này, khách tham quan sẽ biết đến một số hình ảnh tư liệu liên quan đến hành trình Nam tiến của Nguyễn Tất Thành mà lâu nay ít được công bố.
Chẳng hạn như ngôi chùa Phước An ở Tuy Phong - Bình Thuận là một địa điểm ghi dấu dừng chân của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành và còn thể hiện mối giao tình với cụ nghè Trương Gia Mô thời bấy giờ.
Ngôi chùa Phước An ở Tuy Phong - Bình Thuận là nơi Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô gửi vô ở trên hành trình đi vào phía Nam năm 1910
Hay những hình ảnh về huyện đường Bình Khê và hệ thống di tích lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định hiện nay là những dấu mốc trên hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở thiếu thời.
Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích huyện đường Bình Khê, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định
Về hiện vật có tủ trưng bày một số vật dụng trong sinh hoạt gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc thời kỳ ở Huế. Trong phần này còn có hình ảnh ngôi nhà ở làng Dương Nỗ - nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung từng sinh sống giai đoạn 1898 - 1900.
Bên cạnh đó là hình ảnh ngôi đình làng Dương Nỗ - nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi, viếng cảnh, học bài...
Tại Sài Gòn TP.HCM là hình ảnh các địa điểm như ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm (nguyên là nhà số 1-2-3 Bến Testard), trụ sở hãng nước mắm Liên Thành ở Bến Vân Đồn vốn xây dựng từ năm 1922...
Triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM cùng thực hiện, kéo dài đến cuối tháng 12-2022.
Một số hình ảnh tại triển lãm: