489A/21/54 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận- Tp HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666
Close
+84-28-39918666
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00

Blog

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Bảo tàng mang tên Người

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Bảo tàng mang tên Người

Quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng

Văn hóa Đảng từ lâu đã hình thành và không tách rời dòng chảy văn hóa dân tộc; là nhân tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định mọi thành công trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng. Không chỉ vậy, văn hóa Đảng còn là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của Đảng trong mọi thời kỳ cách mạng. Nói đến thành tố văn hóa trong Đảng nói riêng cũng như trong đời sống là đề cập đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ, có giá trị soi đường cho các hoạt động, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng,...

 

 

  Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, 5.9.1960

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, theo đó văn hóa cũng là nền tảng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Cũng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở phạm vi đạo đức, ứng xử trong quan hệ cộng đồng, quan hệ con người với con người, hay trong bản thân mỗi con người, không chỉ dừng lại ở việc tạo nên sự hài hòa cụ thể, mà cao hơn, văn hóa còn phát huy tác dụng trong điều chỉnh các quan hệ lớn, tạo nên sự phát triển cân đối, hài hòa, đồng bộ giữa các lĩnh vực quan trọng của đời sống, của mỗi quốc gia - dân tộc.

 Khi nói văn hóa làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng tức là chủ yếu nói đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên. Những quan điểm xây dựng Đảng về văn hóa được Đảng ta đề cập từ khá sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa Đảng Cộng sản Việt Nam là đạo đức, là văn minh, nghĩa là một biểu tượng cao về văn hóa của dân tộc và nhân loại, xét cho cùng thì đạo đức, văn minh chính là văn hóa.

Sinh thời, Hồ Chí Minh chưa dùng khái niệm “văn hóa Đảng”, nhưng trong các tác phẩm của mình, Người đã đề cập một cách có hệ thống đặc trưng và nội dung của văn hóa Đảng. Có thể nói, văn hóa Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xét đến cùng là sự thể hiện bản chất Đảng dưới hình thức giá trị văn hóa bền vững. Văn hóa Đảng là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần của Đảng, gắn liền với sự ra đời, mục đích, cách thức tổ chức, phương pháp hoạt động của Đảng. Các giá trị đó tạo nên bản chất và sức sống của Đảng, là chất kết dính giữa Đảng với nhân dân, tạo nên sức mạnh cho Đảng và cách mạng. Quan niệm về văn hóa Đảng của Hồ Chí Minh thể hiện một cách khúc triết ở luận đề mang tính tổng kết chiều sâu lịch sử hoạt động của Đảng, khi Người cho rằng: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

 Như vậy, nếu nói văn hóa là nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội thì văn hóa Đảng phải trở thành nền tảng để Đảng có đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, luôn xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp và dân tộc, là hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, thời đại. Do đó, xây dựng văn hóa Đảng là một việc làm cần thiết, lâu dài, thường xuyên của các tổ chức Đảng, của mọi Đảng viên.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, văn hóa Đảng bao gồm các đặc trưng, cấu trúc cơ bản như sau:

Thứ nhất, văn hóa Đảng được kết tinh trong bản chất giai cấp, mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng lý luận Mác - Lênin và trí tuệ của Đảng. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, đây là những hạt nhân nòng cốt trong văn hóa Đảng, với mục tiêu cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc giành và nắm chính quyền, mà là bằng chính quyền đó sẽ xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh với một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, nhân dân được sống trong ấm no và hạnh phúc.

Theo Người, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.  Lý tưởng đó phù hợp với nguyện vọng của tuyệt đại bộ phận dân tộc, mang đậm tính đặc trưng trong văn hóa Đảng. Hồ Chí Minh khẳng định Chủ nghĩa Mác - Lênin là “lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi”.  Trên cơ sở nền tảng tư tưởng cách mạng và khoa học và bằng trí tuệ và tư duy lý luận, Đảng đã nhận thức được quy luật lịch sử khách quan, lựa chọn con đường phát triển của dân tộc, đất nước phù hợp với xu thế vận động của thời đại. Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là hạt nhân cốt lõi của văn hóa Đảng.

Thứ hai, văn hóa Đảng và đạo đức cách mạng là hai thành tố không thể tách rời. Văn hóa Đảng thể hiện trong đạo đức cách mạng cao cả của Đảng, trong các tiêu chuẩn đạo đức mà mỗi cán bộ, đảng viên cần phải phấn đấu để đạt được. Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết; toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân; vì Đảng mà quên mình, vì nhân dân mà hy sinh; gương mẫu trong mọi việc; thực hành chủ nghĩa nhân đạo. Đồng thời, người có đạo đức cách mạng, trước hết phải là người gắn bó mật thiết với quần chúng, hoà mình với quần chúng; tin, hiểu, lắng nghe quần chúng; đặc biệt là phải gương mẫu trước quần chúng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hình thức; sống giản dị, trong sạch và bản lĩnh.

 

 

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh

Người cho rằng, đạo đức cách mạng là biểu tượng văn hóa cao nhất của Đảng. Cán bộ, đảng viên của Đảng thực hành nghiêm đạo đức cách mạng, tức là góp phần quan trọng làm cho văn hóa Đảng thực sự là hạt nhân trong dòng chảy văn hóa dân tộc; là làm cho văn hóa dân tộc thực sự là nền tảng vững bền trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ ba, văn hóa Đảng thể hiện trong các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, phong cách lãnh đạo dân chủ, tinh thần kỷ luật, ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng chính là chế độ tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình - thể hiện tinh thần văn hóa Đảng và sức sống của Đảng. Theo Người, đây là những nguyên tắc tổ chức để làm cho Đảng luôn là một khối thống nhất, phát huy được sức mạnh của Đảng, của quần chúng, đồng thời bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện chế độ dân chủ tập trung, thường xuyên tự phê bình và phê bình là thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức đảng, là cơ sở để cán bộ, đảng viên đối xử với nhau thân ái, chân thành, có tình, có nghĩa. Hơn thế, Người cũng cho rằng, có dân chủ trong Đảng mới có dân chủ ngoài xã hội, đồng thời, là cơ sở để Đảng gắn bó chặt chẽ, máu thịt với dân, gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, yêu dân, tin dân, sử dụng sức mạnh của dân, là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Như vậy, mục tiêu, bản chất của các nguyên tắc đó, tự thân đã là hoạt động mang tính văn hóa. 

Nói đến văn hóa Đảng cũng có nghĩa là nói đến một bản sắc văn hóa đậm chất nhân văn. Trong mỗi con người, các yếu tố thiện, ác; tốt, xấu luôn đan xen và hiện hữu. Văn hóa Đảng từng bước góp phần quyết định trong việc rèn luyện đạo đức, làm cho cái thiện, cái tốt nảy nở; cái ác, cái xấu ngày càng tàn lụi, xã hội ngày càng lành mạnh, vui tươi và hạnh phúc. Những quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng là một chỉ dẫn sâu sắc về mặt lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Qua mỗi chặng đường lịch sử, khi cách mạng chuyển sang giai đoạn phát triển mới, trước những đòi hỏi của thực tiễn, Đảng phải phát huy cao độ trí tuệ và thể hiện rõ bản lĩnh của mình, thì các giá trị văn hóa Đảng được phát huy, đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử, giúp cho Đảng nhạy bén trước tình hình mới và xác định được chính xác mục tiêu đấu tranh và các bước đi để giành thắng lợi. Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng đã đưa dân tộc ta đạt những thành công và thắng lợi vô cùng to lớn.

Cần khẳng định, sự hiện diện của văn hóa Đảng là yêu cầu khách quan, nội tại, mang tính quy luật, do đó đặt ra cho toàn Đảng, cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính đảng, lương tâm, danh dự, trách nhiệm của người cộng sản để phấn đấu, rèn luyện. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta”,Tổng Bí thư nhấn mạnh phải “đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”  để Đảng ta mãi mãi trường tồn, giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với đất nước, dân tộc.

 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bảo tàng

Nằm trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập năm 1970, là nơi trưng bày, giới thiệu một cách toàn diện, đầy đủ nhất về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, nhiệm vụ của Bảo tàng luôn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, trở thành một trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền và giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp của Người.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Đảng, từ Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 26.6.1992, của Hội nghị Trung ương 3 khóa VII “về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2.2.1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII đã ban hành các Nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là những dấu mốc quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

 

 

 Chuyên mục “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bảo tàng Hồ Chí Minh

Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 27.3.2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam “Về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới”, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7.11.2006 của Bộ Chính trị “Về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là Kết luận số 01-KL/TW ngày 18.5.2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng luôn chú trọng đến các hoạt động chuyên môn với nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả, thiết thực phù hợp với việc xây dựng văn hóa Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Công tác giáo dục là một trong những hoạt động nổi bật của Bảo tàng. Xác định được tầm quan trọng của công tác giáo dục, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn hóa Đảng, ngay từ buổi đầu thành lập, Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh đã rất chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thuyết minh; đổi mới xây dựng nội dung thuyết minh, phương pháp hướng dẫn tham quan phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, trên cơ sở khai thác sâu các tài liệu, hiện vật trưng bày đáp ứng nhu cầu của công chúng. Từ khi khánh thành đến nay, Bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ chu đáo hơn 30 triệu khách, trong đó có gần 10 triệu khách là người nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu về tiểu sử, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều vị khách là nguyên thủ cấp cao, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quốc tế. Trên 60.000 đoàn khách với tổng số trên 3.000.000 người, trong đó có gần 50.000 khách nước ngoài đã được nghe thuyết minh, hướng dẫn.

5 năm gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thuyết minh, phục vụ hơn 30 cuộc triển lãm chuyên đề về các sự kiện thời sự nổi bật, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Bảo tàng đẩy mạnh việc đa dạng hóa hoạt động giáo dục thông qua nhiều hình thức: xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên tình nguyện giới thiệu cho khách tham quan là người nước ngoài,  triển khai chuyên mục “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với chủ đề “Câu chuyện nhỏ - Bài học lớn”. Những câu chuyện từng bước đưa văn hóa Đảng gần gũi hơn đến với công chúng, đưa ra những bài học nhân văn sâu sắc, nâng cao ý thức rèn luyện và truyền tải thông điệp chính thống đến với nhân dân, tuyên truyền về đạo đức đúng với tinh thần của Đảng và Nhà nước.

Công tác truyền thông cũng được bảo tàng chú trọng, đổi mới. Bảo tàng thường xuyên đón các đơn vị truyền thông đến khai thác thông tin, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Bảo tàng. Website, Fanpage, Youtube của Bảo tàng được nâng cấp, đảm bảo chất lượng, hình ảnh đa dạng, thông tin chính xác. Đồng thời, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã ra mắt và đi vào hoạt động bản tin có hình để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, tuyên truyền hoạt động của Đảng, Nhà nước, cập nhật những định hướng mang tính thời sự phù hợp với tình hình mới.

 Bảo tàng cũng thực hiện tốt công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản, trưng bày triển lãm; công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong hệ thống chi nhánh, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước; công tác nghiên cứu xuất bản, tư liệu thư viện. Kết quả nghiên cứu cùng với những ấn phẩm, các bộ sưu tập hiện vật quý của Bảo tàng Hồ Chí Minh không chỉ góp phần phục vụ cho công tác tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh, cho cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà còn cung cấp tài liệu giúp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Chính trị trong cuộc đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc về tiểu sử, cuộc đời, tư tưởng Hồ Chí Minh, từng bước khẳng định giá trị cốt lõi của văn hóa Đảng trong các hoạt động chuyên môn thực hiện tại Bảo tàng.

 

 

               Ra mắt Bản tin Bảo tàng Hồ Chí Minh

Mặt khác, Bảo tàng Hồ Chí Minh làm tốt công tác phối hợp với các đơn vị trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình và Bộ VHTTDL nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh gắn với văn hóa Đảng chặt chẽ.

Với sứ mệnh cơ quan mang tên Bác, cán bộ, đảng viên Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn ý thức noi gương Người, phấn đấu rèn luyện và thực hiện tốt “Năm gương mẫu” và “Năm không” theo Quy định chuẩn chuẩn mực đạo đức, rèn luyện kỷ luật của đơn vị. Đây được coi là yêu cầu cần thiết trong các hoạt động xây dựng văn hóa Đảng tại Bảo tàng.

“Năm gương mẫu” gồm: Gương mẫu thực hiện chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, thường xuyên trao đổi, rèn luyện đạo đức, tác phong, thực hiện “Cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Gương mẫu thực hiện nội quy, quy chế cơ quan, thực hiện nghiêm túc thời gian làm việc, lao động sáng tạo, có kỷ luật đạt hiệu quả cao; Gương mẫu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và các quy định đảng viên không được làm, nói đi đôi với làm; Gương mẫu thực hiện tự phê bình và phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng đảng bộ, chi bộ, các đoàn thể trong cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh; nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong nội bộ cơ quan, đơn vị và nơi cư trú; Gương mẫu thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh công sở.

“Năm không” gồm: Không nói viết và làm trái chính sách của Đảng và Nhà nước, nghị quyết của đảng bộ, chi bộ; không công bố tuyên truyền tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi chưa được Đảng và Nhà nước cho phép. Không vi phạm kỷ luật lao động, tham ô, lãng phí, quan liêu, chia rẽ bè phái. Không chạy theo hình thức, thành tích dẫn đến lãng phí. Không tụ tập nói chuyện phiếm, uống rượu bia, hút thuốc trong tòa nhà bảo tàng và trong giờ làm việc. Không cờ bạc, số đề, mại dâm, ma túy và các tệ nạn xã hội khác.

Đặc biệt, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động của Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn quyết tâm “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã vinh dự nhận nhiều huân chương Nhà nước, bằng khen của Chính phủ, Bộ VHTTDL như: Huân chương Lao động hạng Nhất (1994), Huân chương Độc lập hạng Ba (2000), Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2012), Huân chương Độc lập hạng Nhì (2005), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2014) … Những thành tựu Bảo tàng Hồ Chí Minh đạt được là minh chứng thuyết phục cho việc vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong văn hóa Đảng gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị, khẳng định sức sống vững bền, giá trị lan tỏa tư tưởng của Người; là kim chỉ nam trong những hoạt động, định hướng của Bộ Chính trị, của toàn dân tộc và đất nước nhằm định hướng những giá trị tốt đẹp.

Nâng cao hiệu quả việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Đảng

Trong bối cảnh tình hình mới, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Bảo tàng Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức, xác định đúng động cơ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động Bảo tàng về tầm quan trọng và tính tất yếu của văn hóa Đảng. Đảng ủy, Ban Giám đốc và các cán bộ quản lý cần tiếp tục phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng và phát triển văn hóa Đảng tại Bảo tàng. Thi đua để tự tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; từ đó tăng cường công tác quản lý, giáo dục đối với các cán bộ, đảng viên của tổ chức trong văn hóa Đảng; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ, công khai; biểu dương và nhân rộng những tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

 

 

Công tác truyền thông được Bảo tàng chú trọng, đổi mới

Hai là, tích cực phát động các phong trào thi đua xây dựng văn hóa Đảng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trên các lĩnh vực: Thi đua cần kiệm, nâng cao hiệu quả công việc trong các khâu công tác của Bảo tàng đi đôi với chống quan liêu, tham ô và lãng phí… Các phong trào thi đua cần phải được tổ chức một cách thiết thực, sâu rộng và bao quát với nội dung, tiêu chí cụ thể, rõ ràng; cần phát động thi đua theo đợt, theo chuyên đề một cách thường xuyên. Đối tượng thi đua cần có trọng điểm và nắm điển hình, bảo đảm hài hòa lợi ích của cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động song hành với lợi ích của Bảo tàng.

Ba là, kịp thời khen thưởng, động viên, khen thưởng phải đúng người, đúng việc, chống báo cáo sai, khen không đúng người, đúng việc. Chủ động thực hiện khen thưởng đúng người, đúng việc; chú trọng khen thưởng đột xuất, từ đó nhân rộng cá nhân, điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập làm theo.

Cần kịp thời phát hiện sớm những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến khen thưởng đột xuất ngay để động viên kịp thời và sớm nhân rộng các điển hình xuất sắc. Chú trọng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, có hiệu quả. Qua đó, làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh thực sự gần gũi với từng đối tượng, để mỗi người “dễ học tập, dễ làm theo” và “muốn học tập, muốn làm theo”.

Bốn là, tăng cường sự giao lưu phối hợp giữa bảo tàng với các cơ quan trong Cụm Di tích lịch sử văn hóa Ba Đình và Bộ VHTTDL trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quán triệt, thực hiện nghiêm Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các cơ quan, đơn vị nói chung, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng chính là làm cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thi đua khen thưởng vừa được kế thừa, vừa được phát triển mạnh mẽ.

Bảo tàng Hồ Chí Minh vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị là sự chủ động xây dựng nguồn động lực để khuyến khích các cá nhân nỗ lực cố gắng trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cá nhân, đồng thời phát huy toàn diện và hiệu quả sức mạnh tập thể tinh thần đoàn kết, tương trợ thúc đẩy các hoạt động của Bảo tàng ngày một phát triển. Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, hơn bao giờ hết, việc phát huy giá trị cốt lõi trong văn hóa Đảng để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Từ đó, góp phần làm lan toả sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; phục vụ thiết thực cho chiến lược phát triển con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

CÔNG HUY QUANG, ảnh: BẢO TÀNG HỒ CHÍ MINH

1.000 tỷ USD đang săn lùng cơ hội đầu tư bất động sản toàn cầu CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ