489A/21 Huỳnh Văn Bánh - P.13-Q.Phú Nhuận-HCM
Mon - Fri : 08:00 - 18:00 Sat: 8:00 - 12:00
+84-28-39918666

Blog

VinFuture vinh danh 4 phát minh đột phá, “Nhân tài Đất Việt” trao giải năm 2023

VinFuture vinh danh 4 phát minh đột phá, “Nhân tài Đất Việt” trao giải năm 2023

VinFuture 2023 vinh danh 4 phát minh đột phá

Tối 20/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng VinFuture 2023. Đây là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. 

Hệ thống giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Bên cạnh đó là 3 Giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng chính VinFuture 2023 cho 4 nhà khoa học. 

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển thuộc về GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) và GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) với những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới thuộc về GS Daniel Joshua Drucker, GS Joel Francis Habener, GS Jens Juul Holst và GS Svetlana Mojsov với công trình nghiên cứu khám phá vai trò của Peptide giống Glucagon 1 (GLP-1), nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường, béo phì và giúp thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới đối với các bệnh thoái hóa thần kinh.

Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ thuộc về GS Susan Solomon với khám phá cơ chế suy giảm tầng ozone ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy nghị định thư Montreal, nỗ lực giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture trị giá 3 triệu USD thuộc về 4 nhà khoa học GS Martin Andrew Green, GS Stanley Whittingham, GS Rachid Yazami và GS Akira Yoshino cho phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

Chúc mừng các nhà khoa học vừa được vinh danh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng mỗi công trình được xướng tên ở Giải thưởng VinFuture sẽ là niềm kỳ vọng cho cuộc sống của hàng trăm triệu và có thể là hàng tỷ người trên thế giới.

Tấn công lừa đảo năm 2023 tăng rất mạnh

Theo số liệu từ các hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), cơ quan này trong 11 tháng đầu năm nay đã phát hiện, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.428 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chuyên gia VSEC, các cơ quan, tổ chức nên chọn sử dụng các dịch vụ giám sát, kiểm thử an toàn thông tin từ các tổ chức uy tín. (Ảnh minh họa: V.Ngọc)

Đáng chú ý là, trong hơn 11.428 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay, có tới 10.283 sự cố tấn công lừa đảo (Phishing), chiếm gần 90%. Trong khi đó, số sự cố tấn công cài mã độc (Malware) và thay đổi giao diện (Deface) lần lượt là 884 và 451 sự cố.

Trong khi đó, số liệu thống kê số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2022, được Cục An toàn thông tin đưa ra cho thấy, trong 11.213 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, có 3.930 cuộc Phishing, 1.524 cuộc Deface và 5.759 cuộc Malware. 

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay sự cố tấn công lừa đảo đã tăng rất mạnh.

Dự báo tấn công lừa đảo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, các chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp những việc cần lưu ý phòng tránh việc trở thành nạn nhân của các nhóm tội phạm mạng.

Phần mềm số hóa và mô phỏng giành giải Nhất 'Nhân tài Đất Việt' 2023

Tối 20/12, Lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm 2023 đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội. 

Với chủ đề “Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo”, giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm nay hướng tới phát hiện, tôn vinh và cổ vũ các tập thể, cá nhân có các sản phẩm khoa học, công nghệ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan và đại diện lãnh đạo VNPT trao giải Nhất cho nhóm tác giả đến từ Công ty DKS.

Theo Ban tổ chức, từ 156 công trình tham gia tranh giải, qua vòng sơ khảo, đã chọn được 19 sản phẩm tiếp tục tranh tài tại vòng Chung khảo, gồm 11 sản phẩm công nghệ số triển vọng và 8 sản phẩm công nghệ số thành công.

Kết quả, tham gia ở hệ thống giải dành cho sản phẩm công nghệ số thành công, sản phẩm “Phần mềm số hóa và mô phỏng DKS - SINOVA” của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển công nghệ điện tử tự động hóa DKS là sản phẩm duy nhất được trao giải Nhất “Nhân tài Đất Việt” 2023 lĩnh vực công nghệ số.

Đây là sản phẩm giúp sinh viên trải nghiệm thực hành như trên thiết bị thật nhưng an toàn hơn và có thể thực hiện nhiều lần, với nhiều kỹ năng, vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa tạo ra không gian cho sinh viên sáng tạo, giải quyết các vấn đề thực tế.

Tại lễ trao giải, với giải thưởng lĩnh vực Công nghệ số, Ban tổ chức còn trao 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 3 giải phụ cho các sản phẩm công nghệ xuất sắc khác.

Bên cạnh hệ thống giải thưởng lĩnh vực Công nghệ số, giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” năm nay cũng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả ở 4 lĩnh vực khác, cụ thể: 3 công trình lĩnh vực Y – Dược; 2 công trình lĩnh vực Nông nghiệp - Môi trường; 1 công trình lĩnh vực Khoa học - Công nghệ; và 5 công trình lĩnh vực Khuyến học - Tự học thành tài.

23 bộ, tỉnh để tồn tại website bị lợi dụng cài nội dung độc hại

Tại báo cáo kỹ thuật về tình hình an toàn thông tin tháng 11/2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) nêu rõ 14 tỉnh, thành và 9 bộ, ngành còn tồn tại các website của đơn vị bị lợi dụng, tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại.

Bộ TT&TT đã nhiều lần có cảnh báo diện rộng, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các nội dung không phù hợp bị chèn vào website của cơ quan nhà nước.

Với 9 bộ, ngành, có 22 trang web tên miền .gov.vn bị chèn nội dung quảng cáo không phù hợp; còn với 14 tỉnh, thành phố, số website cơ quan nhà nước bị lợi dụng cài nội dung độc hại, quảng cáo không phù hợp là 34 trang. 

NCSC đã gửi công văn cảnh báo trực tiếp đến nhiều bộ, tỉnh đề nghị kiểm tra, rà soát và xử lý.

Số lượng website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung quảng cáo không phù hợp, được Cục An toàn thông tin nhắc nhở trong các tháng 8, 9 và 10 lần lượt là 38, 67 và 71 trang.

Tình trạng nhiều website của cơ quan nhà nước bị lợi dụng để cài cắm, đăng tải, chuyển hướng hoặc liên kết với nội dung quảng cáo không phù hợp như game bài, cờ bạc… không phải mới xuất hiện thời gian gần đây, mà đã xảy ra từ các năm trước.

Bộ TT&TT đã nhiều lần phát hành cảnh báo diện rộng, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các nội dung không phù hợp bị chèn vào website của cơ quan nhà nước.

Dữ liệu số trong cơ quan nhà nước có sự tăng trưởng vượt bậc

Ngày 20/12, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT) phối hợp với Viện Sáng tạo và chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết năm quốc gia về dữ liệu số và Datafest 2023, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, năm 2023 - “Năm dữ liệu số quốc gia” đã đã được xác định tập trung vào phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu. 

Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, sự kiện Datafest sẽ được tổ chức thường niên và Bộ TT&TT mong đợi những năm tiếp theo, khi dữ liệu lớn liên tục chăm sóc sẽ "lớn thật nhanh và nở hoa, kết quả”.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng tạo nền tảng cho chuyển đổi số như cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, cán bộ công chức viên chức đã cơ bản hoàn thành, được đưa vào khai thác, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia mang lại những giá trị đo lường được, cảm nhận được. 

Tỷ lệ các bộ, tỉnh đã xác định danh mục cơ sở dữ liệu đạt 63%. Số cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại các bộ, ngành, địa phương được thiết lập tăng trưởng 38,5% so với năm 2022, từ 1.280 lên 2.077 cơ sở dữ liệu. Việc công bố kế hoạch và danh mục dữ liệu mở tăng mạnh từ 9% lên 50%.

Nhiều địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, Thừa Thiên Huế... đã bắt đầu xây dựng, đưa vào khai thác các kho dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ xử lý thủ tục hành chính theo hướng lấy người dân làm trung tâm.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia đã có những chuyển biến rõ rệt, tạo ra những giá trị cụ thể thực tế như giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi xử lý thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. 

Theo thống kê, trung bình hằng ngày có khoảng 1,78 triệu giao dịch qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia - NDXP; tổng số giao dịch qua nền tảng này từ khi đưa vào sử dụng đến nay là hơn 1,65 tỷ giao dịch.

Nguồn: Vietnamnet.vn

 
HHHHHH CEO địa ốc Hòa Bình bị chất vấn vì giá cổ phiếu kém xa đối thủ