Để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi ngành du lịch đang phục hồi tích cực, hệ thống bảo tàng cần xây dựng cho mình “thương hiệu” riêng, nổi bật, có chiến lược truyền thông marketing hấp dẫn để thu hút du khách.
Đây là nhận định được nhiều đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm Truyền thông marketing bảo tàng: Chiến lược, phương hướng trong bối cảnh đương đại do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp cùng Khoa Di sản văn hóa (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) tổ chức sáng qua 3.11.
TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho biết, các bảo tàng không chỉ đang “vật lộn” với những hạn chế về ngân sách, hệ thống trang thiết bị lạc hậu, thiếu hụt… mà còn phải đối mặt với nhiều thách thức từ làn sóng chuyển đổi số của các loại hình giải trí khác, khiến hệ thống này thật sự rơi vào thế khó trong việc xác định “công chúng là ai và họ muốn gì ở bảo tàng”? Điều đó cũng khiến việc xây dựng, định vị thương hiệu để có chiến lược truyền thông hấp dẫn, đủ sức thu hút công chúng và du khách đến tham quan, khám phá tại bảo tàng càng trở nên nan giải.
Muốn tồn tại và phát triển được trong thế khó như hiện nay, theo TS Hoàng Anh Tuấn, hệ thống bảo tàng cần tận dụng những lợi ích của số hóa để tạo sức hút riêng qua truyền thông và marketing nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa thu hút lượng khách tiềm năng, vừa duy trì được lượng khách tham quan hiện hữu. Để làm được điều này, bảo tàng phải trở thành một điểm đến di sản nổi bật và đáng quan tâm hàng đầu khi công chúng muốn được trải nghiệm tri thức và giải trí. Không nên quan niệm vai trò của bảo tàng chỉ là thu thập, bảo quản, diễn giải và trưng bày các hiện vật lịch sử, nghệ thuật, văn hóa hoặc khoa học…
“Các bảo tàng cần coi trang web là xương sống của bản sắc thương hiệu toàn cầu, do đó, nên chú trọng xây dựng nội dung sinh động và hấp dẫn để củng cố vị trí của mình trong hệ thống các bảo tàng. Đây có thể sẽ là trải nghiệm đầu tiên hấp dẫn du khách trước khi có một chuyến tham quan thực tế. Bằng cách quảng bá thương hiệu bảo tàng thông qua sự hiện diện trên nền tảng số, sau đó tiếp thị thương hiệu qua nhiều kênh, các bảo tàng nhỏ hơn cũng có thể cạnh tranh được trên sân khấu lớn”, TS Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo ThS Phạm Thị Thanh Hường, Văn phòng UNESCO Hà Nội, chức năng chính của hoạt động truyền thông marketing bảo tàng là xây dựng thương hiệu thông qua quảng bá các hoạt động phù hợp với nhu cầu của công chúng. Khi khách tham quan yêu mến và thích thú với các hoạt động của bảo tàng, họ sẽ giúp lan tỏa thông tin rộng rãi đến những nhóm công chúng khác. Bên cạnh đó, truyền thông marketing còn tạo cơ hội giúp bảo tàng tiếp cận đến các nhóm công chúng chưa từng đến tham quan, mở rộng đối tượng khách tham quan - một trong những mục tiêu hàng đầu của các bảo tàng hiện nay.
Theo ThS Phạm Thị Thanh Hường, đại dịch Covid-19 đã đẩy hầu hết các bảo tàng trên thế giới phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Theo Báo cáo đánh giá của 104.000 bảo tàng trong 87 nước thành viên UNESCO, trung bình trong năm 2020 và 2021, lượng khách tham quan bảo tàng giảm 70% và doanh thu của bảo tàng giảm từ 40-60% so với năm 2019. Để tiếp tục tồn tại sau Covid-19, nhiều bảo tàng trên thế giới đã áp dụng công nghệ thông tin, các nền tảng mạng xã hội để cung cấp nội dung trực tuyến và duy trì đối thoại với khán giả. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển truyền thông marketing bảo tàng trong xã hội hiện đại. Một trong những sáng kiến được các bảo tàng trên thế giới áp dụng rộng rãi là tích cực sử dụng những kỹ thuật đương đại để mở rộng đối tượng tham gia, quảng bá các bộ sưu tập, hoạt động của bảo tàng thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông tương tác, đồng thời tạo video quảng cáo, trang web quảng cáo về các sự kiện và triển lãm quan trọng…
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho bảo tàng, nhiều đại biểu nhận định hệ thống bảo tàng cần kết nối chặt chẽ với các hãng lữ hành để kịp thời nắm bắt nhu cầu của du khách quốc tế, lên chiến lược xây dựng và quảng bá thương hiệu rộng rãi, hiệu quả hơn nữa. Từng bước đưa bảo tàng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Một trong những sáng kiến được các bảo tàng trên thế giới áp dụng rộng rãi là tích cực sử dụng những kỹ thuật đương đại để mở rộng đối tượng tham gia, quảng bá các bộ sưu tập, hoạt động của bảo tàng thông qua mạng xã hội và các kênh truyền thông tương tác, đồng thời tạo video quảng cáo, trang web quảng cáo về các sự kiện và triển lãm quan trọng…
Nguồn tham khảo: Báo Văn hóa